Sửa đổi Luật Cán bộ, công chức để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước

Để bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn thì việc xây dựng Luật thay thế Luật Cán bộ công chức (CBCC) hiện hành là rất cần thiết.

Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ vừa có Tờ trình số 920/TTr-BNV ngày 2/4/2025 gửi Chính phủ về dự án Luật CBCC (sửa đổi).

Theo Bộ Nội vụ, Luật CBCC ban hành năm 2008 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Trong quá trình thực hiện, Luật CBCC đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật CBCC đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước.

Việc ban hành Luật CBCC thay thế Luật CBCC hiện hành nhằm mục đích thực hiện yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thu hút và trọng dụng người có tài năng trong cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới.

Luật được xây dựng dựa trên các quan điểm đó là: Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022; Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Hội nghị Trung ương khóa XIII và các Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC.

Thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết, quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, liên thông và đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rõ trách nhiệm; kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thu hút và trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Kế thừa những quy định còn giá trị; sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung cơ chế mới để hoàn thiện công tác quản lý CBCC theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC ngang tầm nhiệm vụ.

Quán triệt chủ trương của Trung ương, Quốc hội về việc ‘‘Luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội’’ nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật.

 Công chức UBND cấp xã. (Ảnh minh họa)

Công chức UBND cấp xã. (Ảnh minh họa)

Về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định về CBCC; quyền, nghĩa vụ của CBCC; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCC trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã.

Đối tượng áp dụng của Luật này là CBCC trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Về bố cục, dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 Chương, 54 Điều. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Đảng và pháp luật hiện hành về CBCC; tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới về quản lý CBCC và yêu cầu thực tiễn xây dựng đội ngũ CBCC trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi những nội dung cơ bản đó là: Sửa đổi các quy định liên quan đến CBCC khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Sửa đổi các quy định liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCC theo vị trí việc làm để tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đồng thời, hoàn thiện quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước. Theo đó, tại Điều 7 dự thảo Luật đã quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, bảo đảm nguyên tắc kết hợp nguồn lực khu vực công và khu vực tư theo hướng: Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và nguồn kinh phí theo thẩm quyền (bao gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác) để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn để phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cơ quan quản lý CBCC quyết định việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng thuộc phạm vi quản lý.

Về nguyên tắc quản lý CBCC, dự thảo Luật quy định: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước; thực hiện quản lý CBCC theo vị trí việc làm; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp, phân quyền; việc đánh giá, bố trí, sử dụng CBCC phải căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của CBCC. Đồng thời, thực hiện bình đẳng giới.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/sua-doi-luat-can-bo-cong-chuc-de-phu-hop-voi-tinh-hinh-thuc-tien-va-yeu-cau-phat-trien-cua-dat-nuoc-175524.html
Zalo