Sửa đổi Hiến pháp năm 2013:Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của MTTQ

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục nhận được sự tham gia góp ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học.

Với tinh thần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, các ý kiến góp ý đều mong muốn xây dựng bộ máy gần dân, sát dân hơn nữa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín Lê Tuấn Dũng:
Tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Là cán bộ Mặt trận, tôi đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Một trong những trọng tâm của lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này là các quy định tại Điều 9 liên quan đến vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam; thu gọn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về một mối nhằm hướng tới một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Khi các cơ quan, đơn vị, tổ chức… về “mái nhà chung" Mặt trận, sẽ làm tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc hơn nữa.

Theo tôi, để các tổ chức quần chúng thuộc MTTQ được Đảng giao nhiệm vụ được nêu tại Điều 9 của Hiến pháp phát huy vai trò, hoạt động mạnh mẽ hơn nữa cũng cần có trụ sở, tư cách pháp nhân độc lập và con dấu.

Ngoài ra, các quy định về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là việc làm rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Một nội dung sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá và có tác động sâu rộng là các quy định về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110) và chính quyền địa phương (các Điều 111, 112, 114, 115). Việc sửa đổi, bổ sung này là một quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Điều này nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hướng tới phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chuyên viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương Phạm Tuấn Anh:
Tạo cơ sở pháp lý sắp xếp lại tổ chức, giảm sự chồng chéo

Việc Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua chủ trương thiết thực và kịp thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là một quyết sách quan trọng, thể hiện sự chủ động, nhạy bén và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta trong thể chế hóa kịp thời các yêu cầu phát triển từ thực tiễn. Đây không chỉ là câu chuyện tổ chức bộ máy, mà còn là bước chuyển căn cơ để xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân tốt hơn, tiết kiệm nguồn lực và mở ra dư địa mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Những nội dung được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các vấn đề cốt lõi liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Tôi hoàn toàn nhất trí cao với tinh thần đổi mới này bởi đây chính là nền tảng để nâng cao hiệu quả quản trị, thể hiện rõ trách nhiệm trước nhân dân và trước lịch sử. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013) nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp đã làm rõ hơn vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam là bộ phận nòng cốt của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị vững chắc của chính quyền nhân dân; đồng thời, nhấn mạnh vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận là một bước đi quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho công tác sắp xếp lại tổ chức, giảm sự chồng chéo, giúp các tổ chức này gần dân, sát dân hơn.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) Nguyễn Mạnh Sùng:
Khắc phục tình trạng "tướng không quân"

Sau khi nhận được dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, chúng tôi đã tổ chức triển khai tới 1.083 hội viên ở 18 chi hội khu dân cư để các đồng chí nắm được nội dung Nghị quyết. Các đồng chí đều ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 để phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, có một số ý kiến e ngại rằng, lộ trình thời gian hơi gấp, do đó, với nhiệm vụ đặt ra là vừa chạy, vừa xếp hàng đòi hỏi việc thực hiện cần phải kỹ lưỡng, khoa học để đạt được hiệu quả cao.

Lâu nay, chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, MTTQ là “tướng không quân” thì với cách sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như dự thảo hiện nay là rất hợp lý để trong các hoạt động phối hợp dễ đan xen, không còn sự giao thoa, chồng chéo, trùng lặp, nhưng mỗi tổ chức vẫn được bảo đảm tính độc lập để phát huy hiệu quả hoạt động.

Về tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay sẽ giúp mọi hoạt động được triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Việc thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy sẽ dôi dư nhiều cán bộ, do đó, rất cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách, trong đó có chế độ hỗ trợ với cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp tổ dân phố.

Hoa Trang Hạnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sua-doi-hien-phap-nam-2013-nang-cao-hon-nua-hieu-qua-hoat-dong-cua-mttq-702296.html
Zalo