Sửa đổi, cập nhật hình thức xử lý tài sản công để đảm bảo tiết kiệm, phù hợp thực tiễn
Một trong những vấn đề quan trọng được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lần này là quy định về hình thức xử lý tài sản công. Các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn xử lý tài sản, nhằm bảo đảm việc xử lý tài sản công được tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, sau 6 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, một số hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân cần được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn xử lý tài sản, nhằm bảo đảm việc xử lý tài sản được tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, quy trình xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân chưa phù hợp với thực tiễn phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...
Trên cơ sở xác định những vướng mắc, bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là ngoại tệ, việc áp dụng hình thức bán, bổ sung hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật (sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 6, bổ sung khoản 7 Điều 109).
Lý giải về đề xuất sửa đổi, bổ sung này, Bộ Tài chính cho nêu rõ, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc thu, chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp các khoản thu, chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ thì được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán do cơ quan có thẩm quyền quy định để hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước tại thời điểm phát sinh.
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ, với tài sản tịch thu là ngoại tệ thì Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ số ngoại tệ để chuyển nộp ngân sách nhà nước bằng Đồng Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, đối với ngoại tệ không thuộc cơ cấu dự trữ ngoại hối của Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngoại hối thì chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương không thực hiện mua. Chính vì thế, không có cơ sở để nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và số ngoại tệ này hiện đang lưu giữ, bảo quản tại Kho bạc Nhà nước, từ đó nguồn lực không được đưa vào sử dụng.
Theo thực tiễn hiện nay, số lượng tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, tịch thu phát sinh nhiều với các mức giá trị khác nhau, thậm chí có những tài sản tịch thu có giá trị thấp (như chăn, màn, gậy, dép, túi ni lông...). Nếu thực hiện theo trình tự, thủ tục xử lý như hiện hành đối với tất cả các loại tài sản đều phải qua cơ quan quản lý tài sản công lập phương án xử lý, trong khi thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được phân cấp cho các đối tượng khác nhau (Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị...) thì sẽ làm tăng thủ tục hành chính trong quá trình lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản. Do đó, việc xử lý tài sản sẽ không bảo đảm tiến độ, có thể làm giảm chất lượng, giá trị tài sản.
Như vậy, để giải quyết vướng mắc nêu trên, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; tạo tính chủ động trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 110 về thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo hướng đơn giản hóa, giao trách nhiệm lập phương án cho đơn vị chủ trì xử lý tài sản.
Bộ Tài chính lý giải thêm, trong điều kiện hội nhập hiện nay, Việt Nam gia nhập nhiều Điều ước, Thỏa thuận quốc tế, trong đó có một số yêu cầu liên quan đến tài sản. Việc quy định cứng một số hình thức xử lý tài sản có thể dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của các điều ước, thỏa thuận quốc tế cũng như yêu cầu của thực tiễn.
Vì vậy, để tránh việc phải sửa đổi Luật khi thực tế có phát sinh các hình thức xử lý khác, thì việc bổ sung quy định về hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật là rất cần thiết.