Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2028/NĐ-CP: Tăng hiệu quả chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ quan trọng giúp nông dân giảm thiếu rủi ro, nhưng Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế sau 5 năm triển khai. Việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm mở rộng phạm vi áp dụng, tăng cường hỗ trợ tài chính và thu hút sự tham gia của các hộ nông dân, doanh nghiệp bảo hiểm là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ nông dân và thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ngày 15/1/2025, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo Tổng kết, đánh giá và định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện các sở, ban ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên thị trường.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phát biểu tại Hội thảo.

Nhiều bất cập sau 5 năm triển khai

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP theo hướng: Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn; có quy định chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2025.

Trong 5 năm triển khai thực hiện, từ năm 2019 đến nay, có 4 địa phương triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp: Nghệ An, Thái Bình (đối với cây lúa); Hà Giang, Bình Định (đối với vật nuôi là trâu, bò). Tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm: 20.261 (17.871 hộ nghèo và hộ cận nghèo, 2.499 hộ thường); tổng giá trị được bảo hiểm: 217,3 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm: 9,47 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 8,02 tỷ đồng).

Thực tiễn triển khai cho thấy, chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện không còn phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất nông nghiệp, đặc thù của các vùng miền, địa phương, cũng như chưa bắt kịp với xu thế quốc tế hiện nay.

Theo đánh giá từ các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp hiện còn thiếu sự linh hoạt, không hấp dẫn được bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và nhà tái bảo hiểm quốc tế xây dựng sản phẩm. Việc xây dựng sản phẩm gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn dữ liệu thống kê, xác định đối tượng được bảo hiểm, đối tượng được hỗ trợ rủi ro thiên tai, dịch bệnh cũng như tổn thất về thiên tai gây ra.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp mới chú trọng đến an sinh xã hội (hỗ trợ phí bảo hiểm cho hộ nghèo) mà chưa có nhiều hỗ trợ đối với tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp quy mô lớn.

Việc phê duyệt đối tượng được hỗ trợ, thanh toán phần phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn chậm, chưa kịp thời, dẫn đến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong việc xác định, tiếp cận, cấp đơn bảo hiểm cho nông dân.

Bên cạnh đó, vì là sản phẩm mới nên người dân chưa tìm hiểu, chưa có thói quen tham gia bảo hiểm. Việc nghiên cứu, tìm hiểu và tham gia của một số bộ phận người nông dân còn hạn chế.

Để chính sách bảo hiểm khả thi, phát huy hiệu quả

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận một cách tích cực, cởi mở và thẳng thắn về thực tiễn triển khai cũng như đề xuất các giải pháp mang tính khả thi cao. Để chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp phát huy hiệu quả, nhiều nội dung sửa đổi chính sách đã được đề xuất.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Theo đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các sở, ban, ngành của địa phương đề xuất cơ quan quản lý xây dựng cơ chế mới mở rộng đối tượng bảo hiểm (các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương), mở rộng rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ, mở rộng địa bàn được hỗ trợ. Bên cạnh đó, tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm, đặc biệt cho các tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp quy mô lớn. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục phê duyệt đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm, thủ tục thanh toán, quyết toán phần phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Phía doanh nghiệp bảo hiểm, các đơn vị đề nghị bỏ quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để đáp ứng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022; các doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chủ động thỏa thuận về phạm vi bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp, kịp thời, đảm bảo tính mùa vụ trong nông nghiệp phù hợp với nhu cầu, đặc trưng riêng có của từng địa phương. Đề xuất quy định đơn vị đầu mối hỗ trợ chia sẻ dữ liệu về tình hình, mức độ và giá trị thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm làm cơ sở xây dựng sản phẩm bảo hiểm, xác định phí bảo hiểm. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thực hiện tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo các điều kiện để được bồi thường bảo hiểm.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023, Bộ Tài chính đang nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và sẽ sớm có văn bản lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đó, Nghị định sửa đổi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2025.

Tuấn Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/sua-doi-bo-sung-nghi-dinh-so-58-2028-nd-cp-tang-hieu-qua-chinh-sach-bao-hiem-nong-nghiep.html
Zalo