Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo mới: Gọi tên trách nhiệm người có ảnh hưởng

Luật sửa đổi nhằm siết chặt quảng cáo xuyên biên giới, quy trách nhiệm người nổi tiếng khi quảng cáo sai lệch, tăng quyền tự chủ tài chính cho cơ quan báo chí.

Sáng 10/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: VPQH

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: VPQH

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 lần này không chỉ là bước hoàn thiện thể chế mà còn là lời cảnh báo mạnh mẽ tới các KOL, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đang lợi dụng mạng xã hội để chuyển tải nội dung quảng cáo sai sự thật, không kiểm chứng và trốn tránh trách nhiệm.

Lần đầu tiên, một đạo luật chính thức gọi tên và xác lập trách nhiệm pháp lý đối với "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng". Điều này mở ra một giai đoạn mới của quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trên không gian mạng đang đầy biến động và dễ bị lợi dụng.

Chấm dứt kỷ nguyên quảng cáo vô trách nhiệm trên mạng xã hội

Trong nhiều năm qua, môi trường mạng xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động quảng cáo trá hình, núp bóng trải nghiệm cá nhân, đánh vào lòng tin người tiêu dùng qua hình ảnh các KOL, người nổi tiếng. Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cho đến các mô hình đầu tư tài chính đa cấp, sàn ảo, ứng dụng lừa đảo đều từng được tiếp tay bởi những lời quảng bá hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở của người nổi tiếng.

Dự thảo Luật Quảng cáo mới lần này không chỉ thừa nhận vai trò ngày càng lớn của mạng xã hội mà còn trực diện siết chặt trách nhiệm người có ảnh hưởng. Người chuyển tải nội dung quảng cáo sẽ bị buộc phải xác minh độ tin cậy của đối tác, kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi đồng ý quảng bá. Họ cũng phải công khai thông báo với người tiêu dùng rằng họ đang thực hiện hành vi quảng cáo. Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ sản phẩm thì không được phép giới thiệu.

Việc xác lập trách nhiệm pháp lý này nhằm chấm dứt tình trạng "trắng pháp luật" mà lâu nay các KOL dựa vào để phủi bỏ trách nhiệm sau những hậu quả xã hội từ quảng cáo sai lệch. Khi luật chính thức được ban hành và thực thi, bất kỳ hành vi né tránh nghĩa vụ thuế, lợi dụng uy tín cá nhân để quảng cáo sản phẩm vi phạm đều có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Báo động lỗ hổng pháp lý trong quảng cáo xuyên biên giới

Một nội dung quan trọng được sửa đổi trong luật lần này là kiểm soát quảng cáo xuyên biên giới. Trong bối cảnh phần lớn doanh thu quảng cáo phát sinh tại Việt Nam đang chảy ra nước ngoài thông qua các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok mà không chịu sự quản lý đầy đủ, luật đã có những thay đổi về định nghĩa và phạm vi điều chỉnh.

Theo đó, quảng cáo xuyên biên giới được hiểu là hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo cho người sử dụng tại Việt Nam qua internet bởi tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng hệ thống thiết bị đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc này đảm bảo bao quát cả trường hợp có hoặc không phát sinh doanh thu tại Việt Nam, chấm dứt tình trạng các nền tảng xuyên biên giới trốn thuế, trốn quy định pháp lý bằng chiêu trò kỹ thuật.

Dự thảo cũng bỏ quy định yêu cầu phát sinh doanh thu tại Việt Nam để kiểm soát, thay vào đó, tập trung vào việc người dùng Việt Nam có tiếp cận nội dung quảng cáo hay không. Mọi hoạt động quảng cáo nhắm đến công dân Việt Nam sẽ phải tuân thủ luật Việt Nam, kể cả khi nền tảng không đặt máy chủ trong nước.

Đây là bước tiến quan trọng, giúp Việt Nam bắt kịp với xu hướng quản lý số toàn cầu, khắc phục lỗ hổng lâu nay khiến thị trường quảng cáo Việt Nam bị mất kiểm soát và doanh thu rơi vào tay các nền tảng nước ngoài.

Cải cách cơ chế quản lý và bảo vệ người tiêu dùng

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ quảng cáo trên mạng xã hội và xuyên biên giới, Luật Quảng cáo mới còn có nhiều thay đổi quan trọng về cơ chế quản lý nhà nước và quyền lợi người tiêu dùng. Một điểm nhấn là việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong cấp phép quảng cáo. Các bộ, ngành và địa phương sẽ không còn thiên về cấp phép theo kiểu "xin cho" mà tập trung vào giám sát, xử lý vi phạm trên cơ sở dữ liệu và phản ánh xã hội.

Sáng 10/5/2025, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: VPQH

Sáng 10/5/2025, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: VPQH

Đặc biệt, luật lần này yêu cầu thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại từ người tiêu dùng đối với nội dung quảng cáo sai sự thật. Các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng sẽ phải có hệ thống tiếp nhận và xử lý khiếu nại rõ ràng, minh bạch. Người dân cũng được trao thêm công cụ pháp lý để đòi quyền lợi khi bị thiệt hại do quảng cáo lừa đảo.

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ mới như AR, VR trong quảng cáo, luật cũng quy định rõ, mọi phương thức quảng cáo đều phải tuân thủ nguyên tắc trung thực, minh bạch, không gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm. Mọi hình thức lách luật qua công nghệ đều có thể bị truy xét trách nhiệm nếu gây thiệt hại thực tế.

Ngoài ra, dự thảo lần này cũng tăng giới hạn diện tích quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình nhằm tạo thêm nguồn lực tài chính cho báo chí. Đồng thời, quy định rõ yêu cầu phân biệt giữa nội dung báo chí và nội dung quảng cáo, ngăn ngừa tình trạng quảng cáo trá hình, mập mờ.

Cụ thể, cho phép tăng tỷ lệ quảng cáo trên báo in lên mức 30% tổng diện tích đối với báo và 40% đối với tạp chí. Đây là động thái hỗ trợ báo chí trong bối cảnh thị phần quảng cáo truyền thống đang giảm mạnh, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính.

Với quảng cáo trên báo hình, báo nói, luật giữ nguyên mức 5% thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, để tạo nguồn lực hỗ trợ sản xuất phim Việt phát sóng vào khung giờ vàng, dự thảo cũng cho phép điều chỉnh thời lượng quảng cáo trong phim truyện.

Về quảng cáo rao vặt, dự luật lần này đã bổ sung quy định trong nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời, yêu cầu rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc bố trí địa điểm phù hợp. Đây là hành động chặn đứng tình trạng quảng cáo rao vặt tự phát, bôi bẩn đô thị, gây mất mỹ quan và mất kiểm soát thông tin.

Với hơn 20 điều được sửa đổi, bổ sung, Luật Quảng cáo mới là một trong những cuộc cải cách mạnh mẽ nhất kể từ năm 2012. Sự quyết liệt trong việc xác lập trách nhiệm KOL, kiểm soát quảng cáo xuyên biên giới và bảo vệ người tiêu dùng đã cho thấy tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước, đồng thời đặt nền móng cho một môi trường truyền thông văn minh, minh bạch và có trách nhiệm.

NHỮNG NỘI DUNG MỚI ĐÁNG CHÚ Ý TRONG LUẬT QUẢNG CÁO SỬA ĐỔI

Người nổi tiếng, KOL phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sai sự thật: Tăng thời gian chờ tắt quảng cáo trên nền tảng số từ 1,5 lên tối đa 6 giây; quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện nghĩa vụ thuế, tuân thủ pháp luật Việt Nam; tăng diện tích quảng cáo báo chí: Báo tối đa 30%, tạp chí tối đa 40%; Chính phủ sẽ quy định chi tiết về trách nhiệm các bộ, ngành và UBND các cấp trong quản lý quảng cáo.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-doi-bo-sung-luat-quang-cao-moi-goi-ten-trach-nhiem-nguoi-co-anh-huong-386905.html
Zalo