Sửa đổi Bộ luật hình sự góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Dự thảo Bộ luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

Chiều 10/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng; các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Bộ Công an dự, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án luật.

Đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thứ trưởng Đặng Hồng Đức cho biết, qua tổng kết 8 năm thi hành, Bộ luật Hình sự đã góp phần quan trọng trong quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững ANTT, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của tổ chức, của Nhà nước và của công dân. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt nên quy định của Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.

Cụ thể là, một số quy định chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập…Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là yêu cầu cấp thiết, khách quan.

Thứ trưởng Đặng Hồng Đức trình bày Tờ trình Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Thứ trưởng Đặng Hồng Đức trình bày Tờ trình Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Đặng Hồng Đức, việc xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.

Giảm hình phạt tử hình

Dự thảo Bộ luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành; sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình.

Trong đó, bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội; nâng định lượng là tiền đối với các tội danh có định lượng là tiền làm căn cứ định tội, định khung; mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 6 tội; mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với 9 tội; bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính; bổ sung quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Nâng mức hình phạt tù, tiền đối với một số tội danh và một số hành vi để đảm bảo tính răn đe để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, ma túy nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững cho các thế hệ tương lai.

Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo Bộ luật còn sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống mua bán người và Luật CAND.

Kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban nhận thấy, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; bảo đảm phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật phục vụ chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì việc xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 là rất cần thiết.

Ủy ban Tư pháp và Pháp luật đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực, chủ động tham mưu đề xuất với Chính phủ, trong thời gian ngắn đã hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để trình Quốc hội bảo đảm nội dung, tiến độ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp và Pháp luật cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng chỉ đạo sửa đổi Bộ luật Hình sự được nêu trong tờ trình của Chính phủ...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá cao Bộ Công an – Cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian rất ngắn đã hoàn thành hồ sơ dự án luật với việc sửa đổi nội dung rất lớn; cho rằng, cần thiết xem xét việc sửa đổi Bộ luật Hình sự nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật phục vụ chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chính phủ, Bộ Công an đã rất tích cực, khẩn trương, dự thảo hồ sơ rất công phu; đánh giá cao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã chuẩn bị báo cáo thẩm tra thể hiện rõ quan điểm về các nội dung của dự thảo luật.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự để kịp thời thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, thống nhất đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự theo trình tự, thủ tục rút gọn ngay trong Kỳ họp thứ 9 theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh và đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu, sớm hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sua-doi-bo-luat-hinh-su-gop-phan-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia--i767904/
Zalo