Sửa đổi 3 luật, 3 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy

Ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành'.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chuyên đề giám sát “nóng”, “trúng” và “đúng”

Theo dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; các Bộ thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Kế hoạch xác định tổ chức 4 Đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương (TP Hà Nội, TPHCM, TP Đà Nẵng; TP Cần Thơ, các tỉnh Bình Dương, Long An, Trà Vinh; TP Hải Phòng, các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh; các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng). Bên cạnh đó tổ chức làm việc với các bộ thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Y tế; tổ chức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội, nội dung giám sát tập trung đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó tập trung đánh giá một số nội dung trọng tâm như việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường, việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, vấn đề rác thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm tại khu đô thị, sông, ven biển sau giám sát phải có chuyển biến cụ thể. Đồng thời, cần đưa ra dự báo về rác thải điện tử như pin, xe điện. Đây là những vấn đề có nguy cơ trong tương lai, do đó cần có dự báo và đánh giá.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cũng cho rằng, trong giám sát cần lựa chọn các địa phương, đưa ra các tiêu chí lựa chọn địa phương để giám sát kỹ hơn. Ví như Hà Nội quan tâm giám sát về chất lượng không khí. Còn Thái Nguyên là nơi có nhiều làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải thì quan tâm giám sát về vấn đề xử lý nước thải tại các làng nghề.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất “nóng”, rất “trúng” và “đúng”, phản ánh nguyện vọng của cử tri và nhân dân về bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình giám sát cần đánh giá xem các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra có đạt được hay không, chỉ ra những hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời cần xử lý dứt điểm những hiện tượng “nóng” về môi trường ở địa phương, cơ sở, nhất là những vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, nghiêm trọng hơn là ở các khu đô thị, vấn đề xử lý rác thải y tế. “Từ chuyên đề giám sát này, Đoàn giám sát cần đề xuất được những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật về môi trường; nêu cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trung ương và ở địa phương” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sửa đổi 3 luật, 3 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Báo cáo tại phiên họp về dự kiến nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).

Đối với 3 nội dung khác Chính phủ có đề xuất, Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến UBTVQH gồm: Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Về thời gian họp, ông Lê Quang Tùng thông tin dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày. Trong đó dự kiến bố trí ngày cuối Kỳ họp để biểu quyết, thông qua các dự án luật, nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có). Kỳ họp khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025. Trong trường hợp trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng thì thời gian Quốc hội dự kiến họp thêm khoảng 2 ngày.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, từ nay đến khi diễn ra kỳ họp chỉ còn khoảng 1,5 tháng. Tại Kỳ họp bất thường sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều Luật, Nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18. Do đó các cơ quan, tổ chức phải thực hiện khẩn trương, chuẩn bị các điều kiện cho kỳ họp. Khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết thì Quốc hội phải thể chế hóa các Nghị quyết đó để triển khai trong việc sắp xếp bộ máy.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sua-doi-3-luat-3-nghi-quyet-phuc-vu-cong-tac-sap-xep-to-chuc-bo-may-10297894.html
Zalo