Sửa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi

Sau bão số 3, do ảnh hưởng của mưa, lũ lớn, nước sông lên cao khiến nhiều vị trí trên các tuyến đê trong tỉnh bị thẩm lậu, mạch sủi qua đê, sự cố cống dưới đê. Mực nước sông lên cao cũng khiến nhiều đoạn đê bị ngâm nước nhiều ngày, đất bão hòa nước, khi các hồ thủy điện đóng cửa xả, nước rút nhanh đột ngột gây sạt lở mái đê, sạt lở kè, sạt lở bờ, vở sông ở nhiều vị trí.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN), chính quyền các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc triển khai giải pháp khắc phục trước mắt, song về lâu dài rất cần được quan tâm đầu tư, củng cố, nâng cao năng lực chống lũ, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, công trình thủy lợi.

Sự cố đùn sủi mái đê hữu Lô (gần cống Tiên Du), xã Tiên Du, huyện Phù Ninh do ảnh hưởng của mưa, lũ sau cơn bão số 3 đã được khắc phục kịp thời.

Sự cố đùn sủi mái đê hữu Lô (gần cống Tiên Du), xã Tiên Du, huyện Phù Ninh do ảnh hưởng của mưa, lũ sau cơn bão số 3 đã được khắc phục kịp thời.

Theo số liệu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mưa lũ đã làm tràn 19,3km đê, sạt lở 0,62km mái đê, gần 23.500m bờ vở sông, 1,4km kè, hư hỏng 13 cống qua đê, 12 công trình hồ, đập thủy lợi bị hư hỏng, sạt trượt, 54 trạm bơm hư hỏng, 177 phai dâng bị trôi, vỡ... tập trung ở các huyện: Đoan Hùng, Phù Ninh, Cẩm Khê, thành phố Việt Trì...

Toàn tỉnh có trên 500km đê các loại, trong đó hơn 421km đê sông, ngòi từ cấp I đến cấp V, 55km đê bao ngăn lũ nội đồng, trên 32km đê bối. Trước khi bão số 3 đổ vào địa bàn, các tuyến đê, công trình thủy lợi đã được cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, tu bổ ở vị trí xung yếu, xây dựng phương án bảo đảm an toàn. Trong mưa lũ, khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Sở NN&PTNT đã xuống hiện trường chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng khắc phục tạm thời, thông báo, cắm biển cảnh báo giao thông, khoanh vùng hạn chế người, gia súc, phương tiện giao thông vào khu vực sạt lở, sơ tán các hộ dân khu vực sạt lở đến nơi an toàn; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để sẵn sàng xử lý khi sự cố phát sinh; thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến các sự cố...

Đồng chí Trần Văn Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Đơn vị đã thực hiện, phối hợp kiểm tra, đánh giá tổng thể toàn bộ hệ thống đê trong tỉnh. Căn cứ mức độ thiệt hại, đơn vị tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh phương án khắc phục theo đúng quy định. Đề nghị các địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách và các nguồn huy động khác để khắc phục thiệt hại với sự cố nhỏ; tăng cường bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định. Với các vị trí đê điều gặp sự cố nghiêm trọng, nguy hiểm, đơn vị đã tham mưu tỉnh cho xử lý khẩn cấp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, giữ ổn định công trình đê điều, đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, phục vụ giao thông thông suốt trong khu vực.

Tỉnh Phú Thọ đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ tỉnh 400 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp các sự cố công trình đê điều, sạt lở bờ vở sông, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, 250 tỷ đồng đầu tư gia cố, nâng cấp các đoạn đê xung yếu, thiếu cao trình thiết kế và các điểm sạt lở thuộc đê tả, hữu sông Thao nhằm bảo đảm cao trình chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân...

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/sua-chua-nang-cap-cac-cong-trinh-de-dieu-thuy-loi-221166.htm
Zalo