Sửa 7 Luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách để gỡ vướng cho sản xuất, kinh doanh
Ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và đã xác định 7 Luật nêu trên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Việc sửa đổi 7 Luật trên sẽ thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Góp ý về điều kiện để phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung thêm 2 điều kiện là “có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng” và “ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2”.
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính tốt có thể thực hiện các khoản vay nợ tín chấp, phát hành trái phiếu không có bảo đảm. Việc có/không có bảo đảm thuộc về cấu trúc của trái phiếu và đều được phản ánh vào giá phát hành, được thị trường tự cân đối dựa trên cung - cầu.
Vì vậy, việc quy định bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh của ngân hàng sẽ không xử lý được vấn đề cốt lõi của việc lựa chọn, sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, bao gồm cả trái phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có bảo đảm.
Do đó, cần lược bỏ quy định về điều kiện trái phiếu phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán; cùng với đó bổ sung quy định, hướng dẫn về tổ chức được đóng vai trò là đại lý nhận, quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu có tài sản bảo đảm và quy định cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được tham gia bảo lãnh thanh toán.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ
Ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trái phiếu là một kênh quan trọng của doanh nghiệp, do đó việc sửa đổi quy định liên quan tới phát hành trái phiếu cần thận trọng, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng thắt chặt trái phiếu riêng lẻ, gây ra đứt gãy nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai thuế tại Luật Quản lý thuế, ông Hùng bày tỏ quan ngại quy định này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp phải tuân thủ và doanh nghiệp không phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và có tác động lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa thực sự phù hợp với bản chất của sàn thương mại điện tử vì các sàn này chỉ là trung gian giữa người mua và người bán; đồng thời các sàn cũng không kiểm soát toàn bộ dòng tiền do thanh toán trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hình thức thanh toán...
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã trao quyền phê duyệt việc quản lý, sử dụng tài sản công cho Bộ trưởng và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tạo thuận lợi hơn quy định hiện hành. Tuy nhiên, để tăng nguồn thu cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, có thể tăng tính tự chủ của các tổ chức này theo hướng giao lãnh đạo các tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với việc khai thác tài sản công theo hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung 7 văn bản luật về tài chính - ngân sách là vấn đề cấp bách, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo rà soát nhằm xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, Thứ trưởng đề nghị rà soát kĩ các nội dung của dự thảo Luật, đặc biệt là các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng…
Đồng thời rà soát, tính toán kỹ các thủ tục hành chính tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công để tăng cường phân cấp, phân quyền, tránh phát sinh thêm chi phí cho Nhà nước...