Sự vươn lên của cá nhân và tổ chức trong xã hội chuyển đổi

Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi, những cải biến vĩ đại trong thế kỷ XXI - một thế kỷ đã mở đầu bằng những xu thế chuyển đổi và kết nối xã hội trên nền tảng của những hoạt động và hành động có ý thức.

Triết lý về chất lượng cuộc sống đã thay đổi thế nào theo thời gian? Minh họa: unsplash

Triết lý về chất lượng cuộc sống đã thay đổi thế nào theo thời gian? Minh họa: unsplash

Xã hội chuyển đổi và xu thế kết nối

Sự chuyển đổi lớn lao nhất ở đầu thế kỷ này là chuyển đổi tinh thần con người, còn sự kết nối vĩ đại nhất là kết nối các mối quan hệ xã hội, văn hóa và công nghệ.

Những con chiên của Chúa, những phật tử của Phật coi tinh thần là thuộc tính của Chúa trời, của Đức Phật hiện diện trong con người họ. Cái Tôi của họ thể hiện tinh thần của Chúa, của Phật. Họ phụng thờ thần thánh, nhất nhất làm theo những chỉ giáo của một sức mạnh siêu nhiên và trải nghiệm sự thiêng liêng của thần thành. Những người không theo tôn giáo thì tinh thần của họ trải nghiệm trong cuộc sống thực. Cái Tôi của họ được hình thành và phát triển trong hoạt động sản xuất, lao động nghề nghiệp, hoạt động xã hội.

Ở bình diện vĩ mô, nhiều tập đoàn và công ty lớn tại Mỹ và nhiều quốc gia trong thế giới tư bản chủ nghĩa đã từ bỏ triết lý kinh doanh cổ điển: "Tham lam là tốt, tham lam là đúng, tham lam mới có tác dụng. Lòng tham mới cứu được những tập đoàn èo uột". Chúng ta coi đó là triết lý kinh doanh vị kỷ. Cần phải phê phán cái thói tham lam xấu xa vốn từng được sùng bái để xây dựng triết lý đề cao những giá trị siêu việt như lòng tin và sự chính trực trong doanh thu, trong lợi nhuận và sự thịnh vượng.

Chủ nghĩa tư bản tưởng sẽ "giãy chết" cuối thế kỷ XX, nhưng giờ đây, nó vẫn phát triển là nhờ ở triết lý mới này, và Patricia Aburdene gọi những tập đoàn lớn đang phát triển mạnh đầu thế kỷ là thứ "Chủ nghĩa tư bản có ý thức".

Alan Greenspan, giám đốc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ, đã nói đến cái giá khốc liệt của lòng tham: "Thói tham lam dễ lây nhiễm dường như thu hút khá nhiều cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta và oái oăm thay, lại khích lệ sự thổi phồng giả tạo những khoản lợi nhuận gián tiếp nhằm duy trì giá cổ phiếu ở mức cao và không ngừng tăng lên". Theo Greenspan, gian lận và giả mạo là cực kỳ tai hại đối với thị trường tự do, và rộng hơn nữa, đối với nền tảng xã hội. Lòng tham khiến nhiều doanh nghiệp lớn mất những nhà đầu tư tiềm năng trong cuộc chơi. Lòng tham cũng làm mất lòng tin của các đồng nghiệp và của những người có quan hệ làm ăn với doanh nghiệp.

Theo Alan Greenspan, lòng tham có lợi cho xã hội chỉ là một ảo tưởng. Cái ảo tưởng đó bị chân lý cuộc sống phủ nhận. Lòng tham chỉ gây tổn hại cho những người xung quanh, cho sự phồn thịnh của cộng đồng. Chỉ có lòng tin kết nối với sự chính trực mới là chân lý.

Những năm cuối thế kỷ XX, ở nhiều nơi trên thế giới, đời sống yên lành, an toàn bị phá vỡ bởi nạn khủng bố tạo ra những bi kịch cuộc đời. Mặt khác, tình trạng chiến tranh cục bộ gây ra nhiều thảm cảnh. Cùng lúc, sự sụp đổ nhiều thị trường đã tạo ra bức tranh ảm đạm về kinh tế, nạn thất nghiệp gia tăng. Con người nghĩ nhiều hơn đến đời sống tinh thần khi quá lo lắng vì Osama bin Laden, người lập ra tổ chức Al-Queda và là kẻ chủ mưu tấn công tòa nhà tháp đôi vào ngày 11/9 tại Hoa Kỳ, hay như sự sụp đổ của tập đoàn Enron, gây nên vụ phá sản lớn nhất ở Mỹ khiến 20.000 nhân viên mất việc làm, mất luôn cả khoản tiền dành dụm. Nguyên nhân cơ bản là ông chủ Công ty Enron đã làm ăn gian lận và hối lộ.

Con người hiện đại tìm đến đời sống tinh thần thoải mái bằng bất cứ giá nào. Minh họa: pexels

Con người hiện đại tìm đến đời sống tinh thần thoải mái bằng bất cứ giá nào. Minh họa: pexels

Làm thế nào để đạt được trạng thái tinh thần tốt nhất?

Giữa thời điểm giáp ranh của 2 thế kỷ XX và XXI, thế giới có những biến đổi mau chóng, đầy bất an, khó lường. Trong điều kiện đó, con người tìm đến những việc làm để họ có được sự thư thái, an lành trong suy tư của mình. Nhiều người đã chọn yoga, thái cực quyền hay thiền định (Meditation). Việc tập luyện qua các hình thức này đã làm con người tĩnh tâm hơn, lắng nghe tiếng nói của cuộc sống nhiều hơn. Đầu óc của họ có sự cải biến nhờ sự thức tỉnh.

Với những người sùng đạo, sự cải biến trong đầu óc họ là cải biến cái trần tục sang cái thiêng liêng, còn những người sống với cuộc sống thực trong các lĩnh vực kinh tế, sản xuất, dịch vụ, y học, giáo dục và chính trị... thì sự cải biến trong đầu óc là giác ngộ về con đường phụng sự lý tưởng cuộc sống và nghề nghiệp: cần đi về đâu và cần làm gì để đời sống xã hội tốt lành hơn.

Nói cách khác, họ trỗi dậy từ đám mây mù của sự tách biệt mà người mê tín, dị đoan không thoát ra được. Những người mê tín này sống với một lối tư duy siêu hình: Chúa là chúa, con dân là con dân, kinh doanh là kinh doanh, y học là y học... tất cả là những gì tách biệt nhau. Còn người đang tu luyện trong các hoạt động tinh thần thì lại đưa những cái đang tách biệt được kết nối lại - kết nối thiền định với chữa bệnh, kết nối thể dục dưỡng sinh với lao động sản xuất, tập yoga để giảm stress trong cuộc sống...

Nhiều CEO nhận ra rằng, những lao động trong tập đoàn thường xuyên dành một khoảng thời gian cho yoga hay thiền định có trạng thái tinh thần vui vẻ, cởi mở, làm việc tập trung không mệt mỏi, tránh được tình trạng huyết áp cao hoặc huyết áp thấp... Như vậy, nếu trong một ca làm việc 8 tiếng đồng hồ, họ có nửa giờ ngồi thiền, chắc chắn, năng suất lao động sẽ luôn ở mức độ mong muốn.

Nhiều nhà nghiên cứu như Michael Rennie, Gita Bellin, Herbert Benson... cho biết, trong các doanh nghiệp, hầu như người lao động nào cũng chịu áp lực stress, thậm chí stress quá cao. Các lãnh đạo doanh nghiệp đã dùng phương pháp ngồi thiền để giúp nhân viên bán hàng và nhân viên tiếp thị có được sự thư giãn, sảng khoái.

Sau 4 tháng ngồi thiền (mỗi ngày khoảng 1 tiếng), kết quả là với cường độ làm việc 12 tiếng/ngày, những lao động vẫn bảo đảm tốt công việc của mình nhờ mức độ cortisol hormone stress (Hoóc-môn tạo sự căng thẳng) giảm hẳn. Sức lao động dẻo dai là món quà tuyệt vời mà ngồi thiền đem lại cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các công ty cũng hiểu rằng, ngồi thiền không phải là phương pháp tinh thần duy nhất. Muốn có một doanh nghiệp hoạt động tốt, còn cần phải có những chính sách khác như sự gắn bó tập thể lao động, chế độ lương được cải thiện, quan hệ lãnh đạo và người chịu sự lãnh đạo cởi mở và tin cậy lẫn nhau.

Từ đó, cộng đồng trong doanh nghiệp trở thành một tổ chức gắn kết, chung một tiếng nói. Mọi người sẽ lao động hết mình để có được một đời sống tinh thần và vật chất luôn được nâng cao. Doanh nghiệp lúc đầu được họ coi là "nơi làm việc tốt", và cuối cùng họ nhận ra doanh nghiệp là "nơi làm việc đáng chọn".

Theo một tài liệu khoa học đáng tin cậy, sức mạnh sáng tạo của thiền định đã được các công ty quan tâm như sau:

1. Những công ty công nghệ cao thành công như Apple, Google, Yahoo, McKinsey, Hughes Aircraft... đều tài trợ cho những khóa thiền định.

2. Ba khóa thiền định của Công ty Dược Astrazeneca được xây dựng nhằm phát huy năng lực của 6000 nhân viên.

3. Chương trình Clarity Senninars ở California gồm những buổi hội thảo về thiền định và kiểm soát tình trạng stress cho hơn 12.000 người tại khoảng 200 văn phòng, kể cả IBM, 3Com, Cisco, Solectron, Sun Microsystems, Pacific Stock Exchange (Thị trường chứng khoán Thái Bình Dương).

4. Eric Biskamp - đồng sáng lập của Chương trình Worklife Seminars ở Dallas dạy về thiền định cho các nhà quản trị của Texas Instruments, Raytheon và Northen Networks.

Xu hướng đề cao giải pháp thoải mái về tinh thần

Những nhà lãnh đạo các tập đoàn rất coi trọng xu hướng thiền định ở doanh nghiệp bởi lẽ, thiền định làm triệt tiêu các sóng não Alpha, Theta và Delta, tăng cường độ tập trung, kích thích trực giác, làm dịu mệt mỏi, thúc đẩy sự sáng tạo và tăng cường các kỹ năng tổ chức. Trong khi đó, hoạt động này không mất tiền ngoài những chi phí ban đầu không đáng kể.

Hơn ai hết, nhiều công ty ở Mỹ (và sau đó, ở nhiều quốc gia) đã có chương trình nghiên cứu kỹ thuật nhập thiền và thư giãn (Transcendental Meditation - TM). Từ năm 1970 đến đầu thế kỷ XXI, chí ít cũng có tới 500 công trình nghiên cứu về TM, được đăng tải trên Hypertension (Huyết áp cao), American Journal of Cardiology (Tạp chí Tâm học Mỹ), Anxiety, Stress and Coping (Lo lắng, stress và cách đối phó).

Cuốn sách "TM: Transcendental Meditation (TM: Kỹ thuật thiền định) của Robert Roth đã góp phần đào tạo hàng vạn chuyên gia kinh doanh cho hàng trăm công ty. Sau ba tháng thiền định tại 1 trong 100 công ty được đầu quân nhiều nhất của Fortune, các nhân viên nhận thấy:

- Bớt lo lắng, stress, mất ngủ và mệt mỏi;

- Giảm thuốc lá và rượu mạnh.

- Làm việc hiệu quả hơn và thỏa mãn hơn với công việc.

- Sung sức làm việc, ít gặp vấn đề về sức khỏe.

Trên tờ báo The Washington Post năm 1996 có đăng một bài về Công ty Hóa chất H.A.Montgomery ở Detroit đã du nhập TM và kết quả thật ấn tượng. Những công nhân của Công ty thực hiện ngồi thiền hai lần/ngày, mỗi lần 2 phút, cho biết:

Thời gian nghỉ phép giảm 85%, nghỉ ốm giảm 76%; Tỷ lệ tai nạn lao động giảm 70%; Năng suất tăng 120%; Khả năng kiểm soát chất lượng tăng 240%; Lợi nhuận tăng vọt: 520%.

Có cả nghìn CEO của các công ty cũng thực hiện thiền định, tập Yoga, thái cực quyền... Kết quả, ở họ có sự cải biến tinh thần thật sự về chất. Họ ngộ ra rằng, sự phát triển doanh nghiệp phải gắn liền với sự vươn lên của xã hội. Ý thức này được hình thành và lớn lên như một xu hướng mới mà Patricia Aburdene gọi là sự vươn lên của Chủ nghĩa tư bản có ý thức. Theo bà, chủ nghĩa tư bản có ý không phải là chủ nghĩa vị tha, nó là tính tư lợi được khai sáng. Nó hiểu ra rằng, kinh doanh không thể bất chấp đạo đức kinh doanh, ngược lại trong kinh doanh cần phải tăng cường trách nhiệm xã hội. Đó là con đường để chủ nghĩa tư bản hiện đại không đi vào vết xe của chủ nghĩa tư bản truyền thống đã lỗi thời.

Để xã hội phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã hoạt động theo 10 nguyên tắc ứng xử sau:

1. Bảo vệ sinh quyển.

2. Sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

3. Giảm thiểu chất thải, xử lý an toàn chất thải sản xuất.

4. Bảo tồn năng lượng.

5. Giảm thiểu rủi ro.

6. Sản phẩm và dịch vụ an toàn.

7. Phục hồi môi trường.

8. Thông tin cho công chúng.

9. Cam kết quản lý.

10. Kiểm soát và báo cáo.

10 điểm trên là văn hóa mới, là đạo đức trong kinh doanh.

Khuyến học thì "vươn mình" như thế nào?

Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nói đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là ý tưởng lớn, một tầm nhìn xa về tương lai của dân tộc và đất nước. Các nhà khoa học, các vị lãnh đạo và quản lý xã hội chưa thao tác hóa khái niệm "vươn mình" một cách chi tiết để nhân dân thực hiện. Dưới lăng kính của người làm công tác khuyến học, tôi muốn góp phần làm sáng tỏ ít nhiều này về khái niệm "vươn mình".

Trước hết, đó là sự vươn lên tầm cao của đất nước về chính trị, tư tưởng, văn hóa, quân sự, giáo dục, kinh doanh..., là sự trỗi dậy mạnh mẽ trên con đường hội nhập thế giới về nhiều phương diện.

Sự vươn mình không chỉ là ý tưởng, là tinh thần của đổi mới và cải biến, mà là hành động, là sự thăng hoa của cộng đồng, của xã hội. Với Việt Nam, sự vươn lên của dân tộc trong thập kỷ 2021-2030 là đi lên từ một quốc gia, một xã hội chuyển đổi số thành một quốc gia học tập đạt tới một trình độ thông minh.

Vươn mình phải thật sự cất cánh lên tầm tư duy mới và năng lực sáng tạo để trở thành quốc gia ở top đầu phát triển bền vững, chí ít là trong khu vực, có vị thế nhất định trong thế giới hiện đại.

Mọi sự cất cánh đều phải trải qua một lộ trình từ chuẩn bị, tích lũy điều kiện, tạo đà và bay lên. Lộ trình ấy được thiết kế với những nguyên tắc không thể đảo ngược:

- Chúng ta chỉ có thể vươn cao trong thế giới hiện đại bằng khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. "Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" (Nghị quyết 57-NQ/TW, 22/12/2024, của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia).

Giáo dục và đào tạo phải là một lực lượng chính để "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam..." để tạo khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII).

- Con đường chủ đạo tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó, con người là trung tâm. Mục tiêu kép "cừa xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số" gắn với "phát triển các doanh nghiệp số" phải dựa trên việc xây dựng những "công dân số" làm yếu tố nền tảng. Công dân số sẽ là mục tiêu và là động lực của chuyển đổi số quốc gia.

- Học tập suốt đời trong một xã hội học tập sẽ là điều kiện hàng đầu để tạo nên ý thức và năng lực vươn mình trong thời đại chuyển đổi số. Học tập giờ đây phải là hành trình tri thức không có điểm dừng. Hành trình đó đòi hỏi con người tiếp cận tri thức, sáng tạo tri thức vì sự phát triển của đất nước.

- Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải vươn lên bằng việc tạo ra một đời sống có văn hóa, một lối sống lành mạnh và trong sáng. Sự rèn luyện, tu dưỡng để có được sức khỏe tinh thần và thể chất là điều kiện cần và đủ để vươn lên, vượt qua chính mình trong xã hội học tập, trách nhiệm của mỗi cá nhân là phải trở thành công dân học tập, mỗi tổ chức phải trở thành đơn vị học tập. Sự phát triển của từng người, từng tổ chức có thể theo những phương thức khác nhau, nhưng tăng cường trách nhiệm với xã hội trong sự nghiệp của cá nhân và tổ chức là chỉ số đo cốt lõi.

Tu luyện tinh thần phải được coi trọng hàng đầu. Ở mọi lứa tuổi, con người đều học tập và đều cần tu luyện tinh thần mà các việc tập yoga, thể dục dưỡng sinh, thiền định hoặc tham gia hoạt động nghệ thuật và giải trí... đều là những giải pháp rèn luyện tinh thần đáng được quan tâm lựa chọn.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/su-vuon-len-cua-ca-nhan-va-to-chuc-trong-xa-hoi-chuyen-doi-179250201224447082.htm
Zalo