Sự ủng hộ của ông Trump với tiền điện tử có thể làm lu mờ các quy tắc mới của EU
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ tiền điện tử có nguy cơ làm suy yếu các quy định về tài sản kỹ thuật số sắp tới của châu Âu khi các công ty bỏ qua lục địa này để ủng hộ thị trường Mỹ thân thiện hơn.
Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance đã cho biết, họ sẽ tập trung sự chú ý trở lại vào Mỹ sau khi ông Trump tuyên bố sẽ biến quốc gia này thành "thủ đô tiền điện tử của hành tinh".
Các giám đốc điều hành và nhà phân tích hàng đầu trong lĩnh vực tiền điện tử cho biết, việc Nhà Trắng thân thiện với tiền điện tử sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ, trái ngược với các quy tắc mới của EU có hiệu lực từ ngày 30/12.
Quy định về thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA) của EU sẽ đặt ra các rào cản cho công chúng sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX và các công ty cho vay tiền điện tử bao gồm Genesis và Celsius. Các tiêu chuẩn này trước đây đã được ngành công nghiệp ca ngợi là chuẩn mực tiềm năng cho quy định về tài sản tiền điện tử trên toàn cầu.
Eswar Prasad, thành viên cấp cao tại Viện Brookings cho biết: "Trong chính quyền Mỹ trước đây... MiCA chắc chắn có vẻ là một cách tốt để cố gắng suy nghĩ về ngành công nghiệp tiền điện tử mà không hoàn toàn bóp nghẹt sự đổi mới".
Nhưng sau chiến thắng của ông Trump, "chúng ta sẽ thấy sự dịch chuyển của các hoạt động liên quan đến tiền điện tử khỏi châu Âu dưới mọi hình thức vì mọi thứ ở Mỹ sẽ dễ dàng hơn nhiều…MiCA sẽ được xem là rất nghiêm ngặt", ông cho biết thêm.
Chiến thắng của ông Trump đã giúp đẩy giá Bitcoin lên mức cao kỷ lục là 108.000 USD trong năm nay. Các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đã đón nhận nồng nhiệt lời cam kết của tổng thống đắc cử rằng ông sẽ chấm dứt các quy định cứng rắn của Mỹ trong những năm gần đây.
Ông cũng đã đề cử Paul Atkins - người ủng hộ tiền điện tử làm người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và bổ nhiệm David Sacks - nhà đầu tư mạo hiểm để cố vấn cho tổng thống về chính sách tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, các quy tắc MiCA của EU sẽ điều chỉnh việc phát hành tiền điện tử bao gồm cả stablecoin, cũng như các dịch vụ tài sản kỹ thuật số bao gồm lưu ký và giao dịch bằng cách yêu cầu các công ty cung cấp các dịch vụ đó phải được ủy quyền tại EU.
Yulia Makarova, cố vấn đặc biệt tại công ty luật Cooley cho biết, việc tuân thủ MiCA sẽ "làm tăng chi phí cho các công ty khởi nghiệp… Chi phí tuân thủ liên tục có thể khiến doanh nghiệp tiến gần đến ranh giới của sự tồn tại", và đồng thời cảnh báo các công ty khởi nghiệp tiền điện tử có thể chọn ra mắt tại Mỹ thay vì EU.
Một số công ty như sàn giao dịch tiền điện tử Mỹ Coinbase và Circle, đã bảo đảm được giấy phép hoạt động tại EU. Tuy nhiên, một số công ty khác như Tether sẽ không tuân thủ các quy tắc mới và đang bị các sàn giao dịch được quản lý tại địa phương hủy niêm yết.
Denzel Walters, Giám đốc Luxembourg tại công ty tạo lập thị trường B2C2 cho biết: "Chính quyền mới có thể làm giảm một chút sự nổi bật và một chút lợi thế của MiCA…Nhưng tôi vẫn nghĩ MiCA sẽ mang đến một cơ hội thực sự tuyệt vời cho thị trường tài sản kỹ thuật số".
Các giám đốc điều hành đang kỳ vọng rằng chính quyền Trump cũng sẽ đạt được tiến triển với luật mới cho tài sản tiền điện tử, từ đó mở đường cho các tổ chức tài chính truyền thống đầu tư vào tiền điện tử.
Trong khi đó, các công ty tiền điện tử đã ngừng cung cấp dịch vụ tại Mỹ vì lo sợ bị các cơ quan quản lý đánh thuế hoặc bị cấm hiện đang có kế hoạch quay trở lại.
Norman Reed, giám đốc điều hành tạm thời của sàn giao dịch tiền điện tử Binance tại Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc khôi phục các dịch vụ bằng đồng đô la và kế hoạch của chúng tôi là đạt được cột mốc quan trọng này vào đầu năm 2025…Vấn đề không phải là có hay không mà là khi nào".