Sự trỗi dậy của ngành bán lẻ

Chiến lược tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành bán lẻ dự báo sẽ tạo động lực để nhóm này trỗi dậy khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ hơn.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân đang cải thiện cùng với đà hồi phục của nền kinh tế

Nhu cầu tiêu dùng của người dân đang cải thiện cùng với đà hồi phục của nền kinh tế

Yếu tố dẫn dắt tăng trưởng

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, kinh doanh bền vững, trải nghiệm khách hàng và phát triển sản phẩm là ba xu hướng chính định hình ngành bán lẻ năm 2025. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2024 - 2029 với triển vọng tiêu dùng tích cực.

Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citi Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, có nhiều điểm sáng cho tăng trưởng. Trong đó, cơ cấu dân số trẻ, có đến 70 - 80% người dân ở độ tuổi dưới 40 là yếu tố kích thích tiêu dùng nội địa.

Đại diện Citi Bank nhấn mạnh yếu tố chi tiêu tiêu dùng, hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Hiện Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt khoảng 4.700 USD và năm 2025 có thể đạt con số 5.000 USD.

Bên cạnh dân số trẻ, yếu tố thứ hai dẫn dắt đà tăng trưởng cho ngành bán lẻ chính là niềm tin tiêu dùng. Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc NielsenIQ Việt Nam cho rằng, “điểm sáng của kinh tế Việt Nam là người tiêu dùng có niềm tin lớn về sự phục hồi kinh tế, họ không chỉ quan tâm đến yếu tố đủ ăn, đủ mặc, mà còn quan tâm tới việc tận hưởng cuộc sống, qua đó, kích thích ngành bán lẻ tăng trưởng”.

Tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện dần từ năm 2025, đây là yếu tố quan trọng tạo nên động lực tăng trưởng mới cho nhóm ngành bán lẻ. Theo TPS, có bốn yếu tố tác động đến ngành bán lẻ, mang tính dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành này. Thứ nhất, sự gia tăng của mạng lưới bán lẻ. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng mini đã tăng trưởng đáng kể tại Việt Nam trong những năm gần đây. Các chuỗi bán lẻ đang mở rộng vào các khu vực ít đô thị hơn. Các kênh thương mại số và hiện đại đang dần chiếm lĩnh, mang đến khả năng tiếp cận tốt hơn cho người tiêu dùng nông thôn. Bên cạnh đó, mô hình chiến lược toàn diện đa kênh, kết hợp giữa trải nghiệm mua sắm đang kéo khách hàng chuyển hướng từ kênh mua sắm ở chợ truyền thống sang các kênh bán lẻ hiện đại.

Thứ hai, thu nhập của người dân cải thiện và tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng, thúc đẩy tiêu dùng. Tầng lớp trung lưu (có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11 - 110 USD/ngày) chiếm khoảng 13% dân số vào đầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng lên mức 26% vào năm 2026. World Data Lap dự báo, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu trong 10 năm tới.

Thứ ba, thanh toán số dần trở nên phổ biến hơn (gần 40% người tiêu dùng sử dụng ứng dụng ngân hàng cho những lần mua sắm gần đây nhất).

Thứ tư là cấu trúc nhân khẩu học thuận lợi, năm 2024, có 62% dân số thuộc độ tuổi lao động, trong đó có 49% nằm trong độ tuổi 20 - 39 tuổi. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động và tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lao động cao sẽ là yếu tố quan trọng khuyến khích tiêu dùng hơn.

Cùng với các yếu tố dẫn dắt cho bán lẻ tăng trưởng, xu hướng chính của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2025 được nhận định sẽ ưu tiên đối với hàng thiết yếu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tăng đầu tư vào các sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường và đặc biệt chú ý đến các thương hiệu uy tín.

Doanh nghiệp kỳ vọng bứt tốc

Các doanh nghiệp bán lẻ như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), Công ty cổ phần Thế giới số (DGW), Tập đoàn Masan (MSN), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)… được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ khi thị trường tiêu dùng bước vào giai đoạn khởi sắc.

Đối với MWG, năm 2024, hoạt động tái cấu trúc mạnh mẽ cùng chiến lược “giảm lượng, tăng chất” đã giúp Công ty về đích lợi nhuận trước ba tháng. Bước sang năm 2025, tăng trưởng của MWG kỳ vọng được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính; trong đó, đầu tiên là sự linh hoạt, chủ động đón sóng phục hồi của ngành bán lẻ, nhất là khi tái cấu trúc xong, MWG trở nên khỏe mạnh hơn. Sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế hỗ trợ tích cực cho MWG và xu hướng đô thị hóa cũng tạo điều kiện cho nhà bán lẻ này phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh và Erablue trong thời gian tới.

Với DGW, kết quả kinh doanh năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ nền kinh tế hồi phục và nhiều chính sách mới được ban hành. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục gia tăng có tác động gián tiếp tích cực đến ngành bán lẻ khi thu nhập của người lao động tăng lên, niềm tin của người tiêu dùng tăng lên. Bên cạnh đó, mới đây, Quốc hội đã thông qua quy định giảm thuế VAT 2% với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT 10%; Bộ Tài chính cũng đang xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) qua kênh chuyển phát nhanh. Những chính sách này một mặt khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn, một mặt sẽ ngăn chặn bớt các hàng giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam.

Trong khi đó, FRT được dự báo bước vào chu kỳ lợi nhuận mới cùng hai động lực tăng trưởng là bán lẻ điện máy, điện lạnh, gia dụng (FPT Shop) và bán lẻ thuốc (FPT Long Châu). FPT Shop kỳ vọng có lãi trở lại sau khoảng thời gian dài giảm giá để giảm hàng tồn kho, tối ưu hóa chi phí, còn chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực từ việc mở rộng mạng lưới cửa hàng và cải thiện biên lợi nhuận.

SSI dự báo FRT mở 400 nhà thuốc mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2025 để giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ và các nhà thuốc bệnh viện. Hoạt động kinh doanh vắc-xin của Long Châu dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng khi tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn thấp (dưới 5% theo FRT công bố) và dịch vụ tiêm tư nhân tăng mạnh khi trung tâm tiêm chủng công quá tải.

Với PNJ, động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 nằm ở việc mở rộng hệ thống và tối ưu mô hình cửa hàng. PNJ duy trì chiến lược mở rộng tại các thành phố, với mô hình cửa hàng nhỏ và thử nghiệm cửa hàng lớn (PNJ Next) để tăng nhận diện thương hiệu. Đồng thời, Công ty đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng ít bị ảnh hưởng bởi biến động của nguồn nguyên liệu hơn khi dây chuyền mới được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, PNJ đưa ra nhiều chính sách marketing thu hút khách hàng mới và tăng tỷ lệ quay lại của khách hàng cũ.

Theo dự báo của Mordor Intelligence, ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2024 - 2029 là 12,1%/năm. Dư địa tăng trưởng của doanh nghiệp ngành bán lẻ còn lớn.

“Cổ phiếu bán lẻ sẽ phục hồi trước sức cầu tăng cao, chi tiêu tiêu dùng của người dân tốt hơn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế”, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/su-troi-day-cua-nganh-ban-le-post360816.html
Zalo