Sự trở lại của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến 'thế giới ảo' như thế nào?

Tổng Giám đốc điều hành Meta - công ty chủ quản Facebook, ông Mark Zuckerberg, đang thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với mạng xã hội Internet, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Trong một bài đăng ngày 7/1, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cho biết sẽ loại bỏ các công cụ kiểm tra dữ kiện, "giảm đáng kể lượng kiểm duyệt" và đề xuất nhiều nội dung chính trị hơn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và Threads.

Công ty Meta cũng sẽ ngừng làm việc với các nhóm kiểm duyệt nội dung của bên thứ ba và chuyển sang hệ thống "ghi chú cộng đồng" theo kiểu mạng xã hội X. Ông Zuckerberg khẳng định rằng "các bên kiểm duyệt đang tập trung vào các vấn đề chính trị và đã phá hủy nhiều niềm tin hơn là tạo dựng được, đặc biệt là ở Mỹ". Theo ông Zuckerberg, điều này "giống như một bước ngoặt văn hóa hướng đến việc ưu tiên quyền tự do ngôn luận".

Ông Mark Zuckerberg. Ảnh: Facebook

Ông Mark Zuckerberg. Ảnh: Facebook

Cho đến nay, Facebook vẫn dẫn đầu thế giới về số lượng truy cập với hơn 2,9 tỷ người dùng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, những thay đổi này sẽ có tác động rộng rãi hơn so với mạng xã hội X, định hình lại cách vận hành của Internet theo hướng thân thiện với chính sách "Make America Great Again" do ông Trump khởi xướng.

Thông báo này có vẻ như được gửi trực tiếp đến ông Trump, đặc biệt do công ty mẹ Meta lần đầu tiên đưa tin độc quyền cho "Fox & Friends" - được xem là một trong những chương trình truyền hình yêu thích của Tổng thống đắc cử. Meta cũng điều chỉnh bộ máy nhân sự trước sự trở lại của ông Trump và lựa chọn ông Joel Kaplan - cựu cố vấn cấp cao dưới thời Tổng thống George Bush cho vị trí Giám đốc phụ trách bộ phận Quan hệ toàn cầu. Mới đây, ông Joel Kaplan đã xuất hiện trên sóng truyền hình của Fox, tỏ ra hoàn toàn đồng ý với quan điểm "kiểm duyệt" mà chương trình nêu ra.

Ông Kaplan cũng cho biết công ty Meta sẽ áp dụng "cách tiếp cận cá nhân hóa" hơn để người dùng có mong muốn tiếp cận nhiều nội dung chính trị hơn có thể thấy nội dung đó thường xuyên trong thời gian lướt web của họ. Đây là một thay đổi lớn của Meta sau nhiều năm phát triển các nền tảng số.

“Trong một thời gian, cộng đồng đã yêu cầu xem ít chính trị hơn vì những thông tin khiến mọi người căng thẳng, vì vậy chúng tôi đã ngừng đề xuất những bài đăng này. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới và mọi thứ đã thay đổi. Các bài đăng liên quan đến vấn đề chính trị thường có xu hướng gây xung đột nhưng Meta sẽ nỗ lực để giữ cho cộng đồng ảo thân thiện và tích cực", ông Kaplan nói thêm.

Nhìn chung, Meta sẽ có cái nhìn thoáng hơn nhiều về những nội dung được phép đăng tải trên Facebook và các nền tảng khác. Ông Kaplan cho biết thêm rằng Meta sẽ nới lỏng các quy tắc và "điều chỉnh hệ thống của chúng tôi để yêu cầu mức độ tin cậy cao hơn nhiều trước khi xóa một nội dung".

"Thay vì tìm đến một chuyên gia nào đó, chúng tôi dựa vào cộng đồng, để họ đưa ra bình luận của riêng mình về nội dung đã đọc. Chúng ta sắp có một chính quyền mới. Chính quyền này không gây sức ép kiểm duyệt, mà còn ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận", ông Kaplan nói với Fox News.

Điều đáng nói là động thái trên của ông chủ Facebook có phần tương tự với tỷ phú Elon Musk, khi mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) do vị tỷ phú này sở hữu cũng nới lỏng chính sách cấm quảng cáo có nội dung chính trị, đồng thời cho phép đăng tải nhiều hơn các quảng cáo có "nội dung chính đáng" trên nền tảng mạng xã hội của mình. Ông Elon Musk đã được Tổng thống đắc cử đề cử vào vị trí Bộ trưởng Bộ Hiệu quả Chính phủ, nhằm "mở đường cho chính quyền mới phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang".

Trước đó, ông Trump từng có quá khứ không mấy hòa hảo với Facebook và người sáng lập nền tảng xã hội này. Tổng thống đắc cử từng lên tiếng chỉ trích ông Zuckerberg và Facebook can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2021, đồng thời đe dọa sẽ buộc ông Zuckerberg lĩnh án tù chung thân. Facebook cũng quyết định khóa tài khoản cá nhâ của ông Trump sau vụ bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021, dẫn đến việc sau đó, ông chủ Nhà Trắng tương lai chuyển hẳn sang sử dụng mạng xã hội Twitter.

Meta được cho là muốn "hàn gắn" với chính quyền Tổng thống mới khi công ty này đang vướng vào một số rắc rối pháp lý. Cụ thể, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vừa đệ đơn kiện Meta với cáo buộc liên quan đến vấn đề độc quyền thông tin, dự kiến sẽ ra tòa vào tháng 4. Chủ tịch FTC sắp mãn nhiệm Lina Khan ngày 7/1 cho biết Meta có thể "muốn có một thỏa thuận ưu đãi" từ chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời "hy vọng những người nắm quyền trong tương lai sẽ không trao cho họ điều đó".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự thay đổi này có thể để "lọt lưới" một số "nội dung sai lệch và thù địch", tác động xấu đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

"Những người sử dụng nền tảng này phải tự mình phân biệt thông tin nào là chính thống và thông tin nào không chính thống. Và đó không phải là điều ai cũng làm được trong một thế giới ảo như Internet", nhà báo Jane Lytvynenko nói.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/su-tro-lai-cua-ong-trump-se-anh-huong-den-the-gioi-ao-nhu-the-nao-post1147350.vov
Zalo