Sự 'trái ngang' của phong cách Pháp và người dân Mỹ

Trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng của thời trang Pháp, một nhóm người có tầm nhìn táo bạo ở New York đã phát triển hướng đi thời trang mới: 'sự thanh lịch không cầu kỳ'.

 Thời trang Mỹ đi theo hướng đơn giản và tiện dụng. Ảnh minh họa: NYT.

Thời trang Mỹ đi theo hướng đơn giản và tiện dụng. Ảnh minh họa: NYT.

"Thanh lịch là sự tiết chế", Coco Chanel được cho là từng nói như vậy về thời trang. Pierre Balmain, “vị vua của thời trang Pháp”, cũng từng nhắc nhở khách hàng của mình về "Nghiêm ngặt, luôn giữ sự nghiêm ngặt" trong thời trang.

Karl Lagerfeld cũng đã chỉ trích những người không tuân thủ các quy tắc thời trang rằng: "Mặc quần nỉ là dấu hiệu của sự thất bại". Hay Sonia Rykiel, một trong 10 phụ nữ thanh lịch nhất thế giới năm 1980 cũng nói: "Làm sao bạn có thể sống cuộc sống xa hoa nếu không đi giày cao gót?".

Quyền lực của các nhà thiết kế thời trang vĩ đại Pháp từ lâu không chỉ nằm trong những sáng tạo quyến rũ mà còn đến từ những nguyên tắc thời trang nổi tiếng của họ. Nhiều người đã nói rằng vẻ đẹp thời trang Pháp đến từ sự “đau khổ”, trong đó, việc tuân thủ kỷ luật, đôi khi đến mức cực đoan, là điều kiện tiên quyết của sự sang trọng.

Thắng lợi của nước Mỹ trong giới thời trang

Nhưng ngoài triết lý thời trang này, những tín đồ mộ điệu ngày nay vẫn có thể thể hiện bản thân với quần nỉ, áo thể thao và giày đế bằng, đều phần nào nhờ “những nữ hoàng của Đại lộ số 7”.

Cuốn sách Empresses of Seventh Avenue: World War II, New York City, and the Birth of American Fashion (tạm dịch Những nữ hoàng của Đại lộ số 7: Thế chiến 2, thành phố New York và sự ra đời của thời trang Mỹ) đã hé lộ sự xuất hiện của phong cách này và đưa phụ nữ Mỹ dần vượt ra khỏi phong cách Pháp cao cấp.

Cho tới trước khi Thế chiến 2 bùng nổ, phong cách Pháp vẫn thống trị tuyệt đối ở New York, trung tâm của ngành may mặc Mỹ. Ngành công nghiệp dệt may Mỹ thời đó chủ yếu cung cấp những sản phẩm may đo được chế tác công phu, trang trọng và đắt đỏ đến chóng mặt cho một nhóm khách hàng thượng lưu chỉ vài trăm người trên toàn thế giới. Ở phân khúc thấp hơn, các sản phẩm ăn theo dựa trên những bản thiết kế cao cấp hơn đã được sản xuất hàng loạt và thống trị thị trường quần áo dành cho phụ nữ Mỹ.

Tác giả MacDonell nhận xét: “Các CEO ngành may mặc ở Mỹ lúc đó không mấy quan tâm đến việc những người phụ nữ mua quần áo từ các nhà may dành cho giới thượng lưu có cuộc sống và nhu cầu hoàn toàn khác biệt với những người phụ nữ mua sắm quần áo may sẵn với ngân sách hạn hẹp".

Vì vậy, ngành may mặc Mỹ dường như đã ép buộc khách hàng nữ thực hiện chế độ thời trang “ăn kiêng”, mặc những bộ quần áo mà họ không muốn hoặc không cần. Nhà thiết kế quần áo may sẵn người Mỹ Elizabeth Hawes vào năm 1938 đã phải thốt ra một châm ngôn châm biếm: "Thời trang là rau bina" (loại rau thường dùng trong các chế độ giảm cân).

Và hành trình Hawes cùng một số phụ nữ Mỹ có tư duy tiến bộ khác đã giúp những người đồng hương thoát khỏi chế độ “ăn kiêng” này đã được MacDonell, một chuyên gia thời trang viết cho tờ The Wall Street Journal, kể lại bằng văn xuôi sống động và nhiều chi tiết lịch sử phong phú.

Thời trang Mỹ chuyển mình cùng lịch sử

Một sự kiện lịch sử lớn góp phần thúc đẩy hành trình này là cuộc tấn công Paris của Đệ tam Đế chế vào tháng 6 năm 1940 và thành phố này bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong bốn năm sau đó. Đây được cho là giai đoạn đen tối đối với các nhà thiết kế thời trang của Pháp, khi họ phải đóng cửa các cửa hàng thời trang hoặc may đồ cho vợ các sĩ quan Đức Quốc xã.

 Cuốn sách ra mắt ngày 27/8. Ảnh: macmillan.

Cuốn sách ra mắt ngày 27/8. Ảnh: macmillan.

Giao thương hàng hóa giữa Mỹ và Pháp cũng bị dừng lại, ngay cả những phóng viên Mỹ cũng không còn được tự do hoạt động tại Paris. Tình cảnh này làm sụt giảm nguyên vật liệu cũng như những mẫu thời trang Pháp mà người Mỹ vốn dựa vào để sản xuất ăn theo.

Năm 1940 dường như cũng báo hiệu sự kết thúc của "thời trang kiểu cũ" ở Mỹ. Và tình trạng khó khăn này dẫn đến một nhóm những người có tầm nhìn táo bạo ở New York phát triển một hướng đi thời trang mới, tự phát: "những bộ quần áo thoải mái, dễ mặc, có thể phù hợp cho nhiều mục đích khác nhau” và được gọi là "sự thanh lịch không cầu kỳ".

Những bộ quần áo này cũng tạo nên nền tảng cho một phong cách thời trang hoàn toàn mới, đặc trưng của Mỹ, được gọi là đồ thể thao. Phong cách này nhanh chóng được phổ biến rộng rãi nhờ năng lực sản xuất mạnh mẽ của các xưởng ở Đại lộ số 7 và chúng đã cách mạng hóa trang phục của phụ nữ.

Những nhà thiết kế đi đầu trong cuộc cách mạng này là Hawes và người tiên phong trong lĩnh vực đồ thể thao Claire McCardell. Họ cũng đã nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ nhiều nhân vật táo bạo trong các lĩnh vực liên quan. Có thể kể tới các biên tập viên tạp chí như Carmel Snow và Diana Vreeland, những người ủng hộ không biết mệt mỏi cho phong cách thẩm mỹ "đơn giản hơn, tinh tế hơn và ít phụ kiện hơn", cho đến các phóng viên thời trang như Virginia Pope và Lois Long, cả hai đều là "những người ủng hộ trung thành của thời trang Mỹ".

Ngoài ra còn cón những nhà bán hàng đầy sáng tạo như Betty Shaver của hãng Lord & Taylor, người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ kiếm được mức lương sáu con số và những chuyên gia quan hệ công chúng tiên phong như Eleanor Lambert, người phát minh ra Danh sách những người mặc đẹp nhất thế giới và chương trình Met Gala.

Chỉ trong vòng vài năm, những người phụ nữ này đã tạo nên ngành công nghiệp thời trang Mỹ như giới mộ điệu biết đến ngày nay. Dù không cầu kỳ và quá chi tiết, ngành thời trang Mỹ vẫn là thành trì của phong cách tiện dụng, thoải mái và hiện đại. Và mặc dù đã phát triển thành một ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ USD, giới thời trang Mỹ vẫn phát triển theo nguyên tắc rằng thời trang "vừa đẹp vừa tự do".

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-trai-ngang-cua-phong-cach-phap-va-nguoi-dan-my-post1495521.html
Zalo