Sự tiếp nối nghĩa tình đầy xúc động sau chiến tranh
Chiến tranh đã lùi xa, những cựu chiến binh Sư đoàn 341 năm xưa ở Hà Tĩnh vẫn sát cánh cùng nhau viết tiếp câu chuyện về nghĩa tình đồng đội đầy xúc động giữa đời thường.
Mỗi dịp tháng 4 về, những người cựu binh Sư đoàn 341 (Quân khu 4) ở Hà Tĩnh lại cùng nhau hội ngộ để ôn lại ký ức hào hùng của những tháng ngày cầm súng chiến đấu. Những bàn tay siết chặt, câu chuyện ấm tình đồng đội là lời nhắc nhở sâu sắc về lòng biết ơn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Những người lính nằm lại chiến trường vẫn sống mãi trong trái tim của đồng đội.

Tình đồng đội giữa những người cựu chiến binh Sư đoàn 341.
Trung tá Nguyễn Văn Thắng (SN 1947), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 341, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh chia sẻ: “Với mong muốn kết nối những đồng đội cũ trong sư đoàn, năm 2005 chúng tôi đã liên lạc và thành lập Ban liên lạc Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh. Sau quá trình kết nối, với sự tài trợ của một số cá nhân, chúng tôi đã tổ chức gặp mặt thường niên. Cũng từ đó, hội lính Sư đoàn 341 không chỉ là nơi ôn lại ký ức hào hùng mà còn là nơi những nghĩa cử được gieo mầm và lan tỏa”.
Kể từ khi thành lập đến nay, với tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của những người cựu binh đã sưởi ấm, đã tiếp thêm động lực cho nhiều đồng đội vươn lên trong cuộc sống. Qua những chuyến đi về các vùng quê, thăm hỏi, khảo sát hoàn cảnh của một số đồng đội cũ… đã khởi đầu cho hành trình kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và những anh em, đồng đội trong việc huy động nguồn lực để làm nhà tình nghĩa. Từ những đợt quyên góp nhỏ lẻ, cựu chiến binh Sư đoàn 341 đã cùng nhau xây nên những căn nhà tình nghĩa cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, là biểu hiện của tình cảm sâu đậm giữa những người từng gọi nhau là chiến hữu.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng (ở giữa) - Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh cùng các cựu chiến binh trao đổi, tìm cách huy động nguồn lực hỗ trợ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Đại úy Nguyễn Văn Cư (SN 1950), nguyên Phó Trưởng ban Thông tin liên lạc Trung đoàn 266 – Sư đoàn 341 cho biết: “Từ ngày thành lập đến nay, cựu chiến binh Sư đoàn 341 đã kêu gọi xây dựng được 10 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội và thân nhân đồng đội. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã giúp đỡ nhiều thành viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật; trao tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách trong các dịp lễ tết… với tổng số tiền hàng tỷ đồng”.
Sư đoàn 341 (Quân khu 4) còn có tên gọi Đoàn Sông Lam được thành lập ngày 23-11-1972 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh, Sư đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa bàn phía Nam Quân khu, là lực lượng dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng. Theo thống kê sơ bộ, Sư đoàn 341 có gần 1.500 người ở Hà Tĩnh, trong đó có hơn 800 liệt sỹ hy sinh ở các chiến trường. Việc xác nhận danh tính chính xác của các liệt sỹ, cung cấp thông tin cho gia đình, cho các thân nhân vẫn luôn là điều mà những cựu chiến binh Sư đoàn 341 day dứt.
Từ suy nghĩ ấy, những người đồng đội Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh đã thành lập nhóm để trao đổi, cung cấp thông tin liệt sỹ. Đặc biệt, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 341 đã dành nhiều thời gian cho việc đối chiếu thông tin các liệt sỹ để có được con số đảm bảo độ tin cậy cho các gia đình, thân nhân.

Niềm vui ngày gặp mặt của các cựu chiến binh Sư đoàn 341.
Với chiếc ba lô, quyển sổ tay, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng đã lặn lội khắp 13 nghĩa trang liệt sỹ phía Nam để ghi chép lại vị trí chôn cất, số hàng, số bia mộ… Cùng với việc tìm thông tin ở các nghĩa trang liệt sỹ, ông còn kết nối thông tin, phối hợp với ngành liên quan để đối chiếu danh sách liệt sỹ Hà Tĩnh ở các nghĩa trang phía Nam. Từ những bước chân không mỏi ấy, đã có hàng trăm liệt sỹ được đối chiếu thông tin đảm bảo độ chính xác cao.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Hành trình tìm kiếm và đối chiếu thông tin liệt sỹ là một quá trình đầy gian nan và công phu, nhưng với tôi, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm thiêng liêng với những đồng đội đã khuất”.
Cũng chính tình cảm thiêng liêng ấy, giữa cuộc sống đời thường tất bật, những người cựu chiến binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng miệt mài trên hành trình tìm lại danh hiệu cho đồng đội đã hy sinh. Đó là việc tìm kiếm giấy tờ, nhân chứng để hoàn thiện hồ sơ cho liệt sỹ, bởi đây không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là tâm nguyện chưa trọn vẹn của những người lính còn sống trở về.
Đại úy Trần Hậu Tám - cựu chiến binh Sư đoàn 341 đã dành nhiều năm tìm kiếm nhân chứng, hoàn thiện hồ sơ để chứng minh người đồng đội của mình – liệt sĩ Nguyễn Văn Xin ở Đức Long (Đức Thọ) đã hy sinh vào ngày 20/12/1977 ở Campuchia, nhưng gia đình lại nhận được giấy báo tử là tử sỹ. “Hoàn cảnh gia đình đồng chí Xin rất khó khăn, bố mẹ đã già yếu và nay đã mất. Thế nhưng, do nhiều thay đổi trong thủ tục công nhận liệt sỹ nên dù đã hoàn thiện các giấy tờ, hồ sơ nhưng đến nay tâm nguyện trả lại danh hiệu liệt sỹ cho đồng đội của tôi vẫn chưa thành. Đây vẫn là điều tôi luôn khắc khoải”, Đại úy Trần Hậu Tám trải lòng.

Từ sự kêu gọi, kết nối của các cựu chiến binh Sư đoàn 341, nhiều hoàn cảnh đồng đội khó khăn được quan tâm chia sẻ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng có những điều không thể phai mờ theo năm tháng. Đó là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng như máu thịt giữa những người lính từng cùng nhau xông pha nơi tuyến lửa. Và trong cuộc sống đời thường hôm nay, vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, vẫn còn nhiều đồng đội chưa tìm thấy mộ phần, chưa được hưởng chế độ xác đáng. Vì vậy, những việc làm thiết thực của cựu chiến binh Sư đoàn 341 hôm nay chính là sự tiếp nối của tình đồng chí và bài học sâu sắc về lòng nhân ái, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ mai sau.