Sự tiến hóa của drone với công nghệ gây nhiễu từ bên trong

Không giống như các hệ thống gây nhiễu từ xa truyền thống, thường được gắn trên máy bay lớn hoạt động cách xa chiến trường, hệ thống gây nhiễu từ bên trong thế hệ mới có giá thành rẻ, gọn nhẹ dễ dàng lắp ngay trên UAV/drone.

Leonardo, công ty của Italia mới đây đã giới thiệu hệ thống tác chiến điện tử (EW) thế hệ mới, có khả năng gây nhiễu từ bên trong, có tên BriteStorm.

Thiết bị mới đánh dấu sự khác biệt so với các phương pháp gây nhiễu truyền thống, vốn thường bao gồm các hệ thống công suất cao và tầm xa, được đặt ngoài phạm vi của các mối đe dọa từ đối phương.

Thay vào đó, BriteStorm được thiết kế cho các hoạt động tầm gần, cung cấp phương tiện hiệu quả để phá vỡ hệ thống phòng không của đối phương trước khi chúng có thể gây nguy hiểm cho đồng minh.

Nhà sản xuất cũng cho biết, hệ thống EW này có khả năng tạo ra các “phi đội ma” để gây nhiễu hệ thống radar đối phương.

BriteStorm được phát triển và thử nghiệm thực địa thành công tại các cơ sở thí nghiệm tác chiến điện tử đặt tại Anh.

Hệ thống có thể được tích hợp vào nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả máy bay không người lái và vũ khí tuần thám, mở rộng hơn nữa tính linh hoạt của nó cho các nhiệm vụ quân sự hiện tại và tương lai.

Hệ thống EW mới nhỏ gọn có thể tiếp cận gần hơn đối phương. Ảnh: Eura

Hệ thống EW mới nhỏ gọn có thể tiếp cận gần hơn đối phương. Ảnh: Eura

BriteStorm dựa trên công nghệ trước đó có tên BriteCloud, dùng mồi nhử chủ động tiêu hao (EAD) để vô hiệu hóa các tên lửa dẫn đường bằng tần số vô tuyến.

Trong khi BriteCloud chủ yếu được sử dụng như một biện pháp phòng thủ cuối cùng, BriteStorm có thể được đưa ra gần với đối thủ hơn, gây nhiễu radar của đối phương và các hệ thống phòng không tích hợp (IADS).

Theo Mark Randall, Giám đốc chiến dịch Tác chiến điện tử tại Leonardo, “Các nền tảng được lắp đặt với hệ thống BriteStorm có thể triển khai trước để tạo ra sự nhầm lẫn, giúp các hệ thống IADS của đối phương không thể phát hiện, theo dõi và cố gắng tấn công các lực lượng thân thiện."

Andrew Ingram, Trưởng phòng Năng lực Tác chiến điện tử tại Leonardo, bổ sung rằng, phương pháp gây nhiễu từ bên trong này giúp giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống công suất cao, phù hợp hơn cho các hoạt động gần với phòng thủ của đối phương.

Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã nhận được một số hệ thống BriteStorm và đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm bay để đánh giá khả năng của hệ thống này.

Tạo đội hình ảo

Với trang bị công nghệ bộ nhớ tần số vô tuyến số tiên tiến (DRFM), hệ thống EW mới dễ dàng thu và sao chép chính xác các tần số radar đối phương.

Khi phát hiện tín hiệu radar đối phương, các tần số radar sẽ được ghi lại dưới dạng kỹ thuật số, sau đó phân tích và phản hồi bằng cách gây nhiễu điện tử hoặc các kỹ thuật làm nhiễu tinh vi khác.

Thao tác này có thể tạo ra một loạt các mục tiêu giả, như phi đội hàng chục chiếc máy bay chiến đấu “ma”, khiến radar của đối phương khó phân biệt giữa mối đe dọa thật và giả.

Các thiết bị gây nhiễu này nếu triển khai trên các drone hay phương tiện bay không người lái, có thể xâm nhập vào vùng mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau, khiến đối thủ bị phân tán và phân bổ sai tài nguyên phòng thủ.

Bên cạnh đó, kỹ thuật gây nhiễu truyền thống như tiếng ồn điện tử phá vỡ radar cũng được trang bị, cho phép che chắn máy bay chiến đấu hoặc drone khỏi lưới phòng không đối thủ.

Nhà sản xuất cho hay, "BriteStorm rất hiệu quả đối với radar trong dải tần từ A đến J của NATO." Điều này có nghĩa hệ thống này có hiệu quả đối với mọi loại radar giám sát, thu nhận mục tiêu và theo dõi.

(Theo Eura, Defense News)

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-tien-hoa-cua-drone-voi-cong-nghe-gay-nhieu-tu-ben-trong-2333431.html
Zalo