Sự tích ngày vía Thần Tài qua góc nhìn Phật giáo
Khi kết hợp tín ngưỡng dân gian với giáo lý nhà Phật, chúng ta có thể dung hòa hai hệ tư tưởng, giữ gìn nét đẹp truyền thống đồng thời xây dựng một cuộc sống an lạc, hạnh phúc dựa trên nhân quả và trí tuệ.
Phần I. Nguồn gốc Thần Tài
1. Dân gian tôn xưng Thần tài
Theo truyền thuyết Trung Hoa cổ đại thì Thần Tài là nhân vật lịch sử Phạm Lãi, ông là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông là một trong những vị thần hết lòng phò tá vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn.
Theo quan niệm Trung quốc, hình tượng Thần Tài bao gồm 5 vị “Ngũ lộ Tài Thần”, ứng với 4 hướng và trung tâm: Trung Bân Tài Thần Vương Hợi (Trung); Văn Tài Thần Tỷ Can (Đông), Phạm Lãi (Nam); Võ Tài Thần Quan Công (Tây) và Trương Công Minh (Bắc).
Trong Sử ký - Hóa Thực Liệt Truyện ghi lại một câu chuyện như sau:
Phạm Lãi lúc ấy có một người bạn cùng chí hướng là Kế Nhiên - một học giả rất giỏi về kinh doanh thông thương. Ông đã nói với Phạm Lãi 7 cách để làm giàu, bao gồm làm thế nào để ngăn chặn thiên tai nông nghiệp, tập hợp tài phú, điều chỉnh phát triển kinh tế...
Phạm Lãi dùng 5 điều trong đó, giúp Việt quốc trở nên giàu có, tạo tiền đề tiêu diệt Ngô quốc. Sau khi Phạm Lãi rời khỏi Việt quốc, ông đã ba lần di cư, trong 19 năm gây dựng nên gia tài đồ sộ. Nhưng ông đã chia tài sản của mình cho anh em và con cháu, người thân, bạn bè xung quanh, trở thành một nhân vật huyền thoại thời bấy giờ.
Trong suốt quãng đời ẩn danh, Phạm Lãi sống bằng nghề buôn, ông đã đúc kết những nguyên tắc kinh doanh quý giá truyền lại cho đến nay, được lưu lại trong sách cổ Trung Hoa với tựa là Đào Chu Công sinh ý kinh (tạm dịch: Bíquyết kinh doanh của Đào Chu Công). Một số điều được nêu như sau:
1. Làm ăn cần chăm chỉ và khẩn trương, như vậy mới đạt hiệu quả cao.
2. Chi tiêu phải tiết kiệm và dùng tiền đúng mục đích. Người làm ăn chủ yếu lấy công làm lời nên việc tích tiểu thành đại, góp gió thành bão bao giờ cũng nên ưu tiên.
3. Giao thương phải khiêm tốn. Người làm kinh doanh bao giờ cũng quan trọng thể diện và uy tín, nên giữ bộ mặt và sĩ diện của mình hết sức quan trọng.
4. Buôn bán tùy thời, tập cách dự đoán đúng nhu cầu thị trường hoặc đi trước thời đại.
5. Muốn giàu phải biết lựa chọn người làm công và đối tác, tránh tình trạng tham lam, nợ khó đòi hoặc thất thoát do hoàn cảnh túng bần họ làm liều.
6. Quản lý chặt chẽ chuyện kinh doanh. Sổ sách, khách hàng, hàng hóa phải thường xuyên kê khai, đảm bảo tra xét rõ ràng nhằm vừa quản lý tốt, vừa dự báo tình hình chính xác, vừa chống thất thoát, vừa chuẩn bị kịp thời cho các kế hoạch làm việc sắp tới.
7. Biết nhìn người. Làm chủ phải có cặp mắt biết nhìn người và phân biệt thị phi và trắng đen; phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu để thuê mướn và lựa chọn đối tác; phải biết ưu điểm và khuyết điểm của người làm công nhằm tránh giao sai người thiếu năng lực, sai việc, sai địa điểm, sai trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
8. Người làm cho mình phải là những người chính trực, có tài đức, ngay thẳng để vừa giúp mình giữ gìn kỷ luật, giúp làm gương cho người xung quanh tránh tiêu cực, bè lũ, phe phái gây mất đoàn kết.
9. Cẩn thận trong xuất nhập. Hàng hóa, sổ sách, tiền bạc thu chi hàng ngày phải cẩn thận, ghi chép, lưu trữ phải chính xác, tránh gây sai lệch, thất thoát hoặc tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.
10. Kiểm tra hàng hóa. Hàng hóa muốn mua, nhập kho phải được xem xét thấy tận mắt, đến tận nơi, sờ tận tay.
11. Làm ăn phải coi trọng chữ tín, đúng kỳ hạn tránh tình trạng bị phạt hay bồi thường vì trễ hẹn.
12. Kiểm soát tồn kho: Hàng hóa trong kho bãi phải được kiểm soát, bảo vệ che đậy, tránh thất thoát, mất trộm, hư hỏng vì mưa nắng, thời tiết nóng ẩm, lũ lụt...
13. Làm ăn bất kỳ nơi đâu phải hiểu biết luật pháp, thuế suất.
14. Muốn giàu phải tích đức: Càng phát đạt thì phải càng tích đức hành thiện.
15. Tạo dựng mối quan hệ. Buôn có bạn, bán có phường.
16. Độ lượng trong đối nhân xử thế. Đối xử người làm phải độ lượng, làm công tác tư tưởng và động viên thường xuyên để họ trung thành và cống hiến sức lực và tài trí.
Phạm Lãi được đánh giá là "công danh toàn trung", cả sự nghiệp và cuộc sống đều đạt được kết cục vô cùng mỹ mãn, hậu thế tôn vinh ông là ông tổ của thương nhân Trung Quốc. Sau khi phò tá vua dẹp yên nước nhà, Phạm Lãi đã cùng người yêu là Tây Thi bỏ chốn quan trường về ở ẩn. Từ đó, Phạm Lãi trở thành một nhà thương buôn thành đạt và giàu có nổi tiếng nên được người đời gọi là Đào Công và được tôn là Thần Tài bởi khả năng tạo ra tài sản và lòng tốt khi cho đi tài sản của ông.
2. Sự tích dân gian các nước về Thần Tài
Theo truyền thuyết khác tại Trung Quốc thì Thần Tài là vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc trên thiên đình bị "rơi" xuống trần gian vì một lần lỡ say rượu. Thần Tài xuống trần gian và mang may mắn cho những gia đình thần đã từng đến. Khi Thần Tài bay về trời vào ngày mùng 10, dân gian lấy ngày này làm ngày vía Thần Tài và tin tưởng rằng, mua vàng sẽ gặp nhiều phúc lộc, sung túc suốt cả năm.
Theo truyền thuyết tại Việt Nam
Thần Tài xuất hiện rất lâu đời trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Ông được xem là một dạng quan thần và có nhiệm vụ hộ mệnh cho xóm làng, phù hộ, độ mệnh cho con người phát tài phát lộc.
Người dân Việt khi bước đầu đi khai hoang đã gặp phải rất nhiều thử thách, khó khăn. Cũng chính từ đây đã hình thành ý niệm có các vị thần. Các vị thần đó được xem như chỗ dựa tâm linh vững chắc trên con đường khai hoang, mưu sinh của người dân.
Theo truyền thuyết tại Ấn Độ
Theo truyền thuyết tại Ấn Độ, Thần Tài có nguồn gốc từ Bổ Đại La Hán hay còn được gọi đó là Nhân Yết Đà Tôn Giả. Đây chính là một trong những thập bát La Hán. Ngài thường xuyên đi bắt rắn. Khi đi thường mang theo một túi vải to đeo trên lưng và đi vào trong rừng tìm bắt những con rắn độc. Sau đó Ngài sẽ nhổ bỏ răng độc của rắn rồi thả đi.
Do đó một số loại tượng Thần Tài được miêu tả dưới dáng đứng và có cầm thêm một cái túi to. Hai tay của ngài đang hướng thẳng lên trời. Trên môi luôn nở ra nụ cười thoải mái, tươi vui chính là biểu tượng của sự thành công, may mắn, mãn nguyện.
Theo truyền thuyết tại Tây Tạng
Nguồn gốc sự ra đời của ông Thần Tài còn được ghi chép lại trong truyền thuyết của Tây Tạng. Theo Phật Giáo Tây Tạng có 5 vị Thần Tài và còn được gọi là Thần Tài Ngũ Sắc. 5 vị Thần Tài đó lần lượt sẽ gồm có Bạch Thần Tài, Hoàng Thần Tài, Lam Thần Tài, Hồng Thần Tài và Hắc Thần Tài.
Hoàng Thần Tài chính là vị thần đứng đầu của chư vị Thần Linh. Ngài phụ trách cai quản tài bạch tại Phương Bắc, chủ quản bảo khổ. Ngài cũng được người dân cung dưỡng lớn nhất trong các vị Thần Tài.
Câu chuyện nguồn gốc Hoàng Thần Tài xuất phát với nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng mọi người biết đến câu chuyện Ngài đã bảo vệ cho đức Phật tránh khỏi sự quấy nhiễu của yêu ma.
Khi đức Phật đang giảng giáo kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa ở ngọn núi Griddhakuta tại vùng đất Rajgir thuộc vào khu vực Trung Ấn thì ma quỷ xuất hiện và gây chuyện khiến cho ngọn núi thiêng đã bị sạt lở xuống. Lúc này Hoàng Thần Tài đã thể hiện được sự dũng cảm và dùng thân thể của chính bản thân mình để bảo vệ cho đức Phật và chúng sinh trở về bình an vô sự.
Hoàng Thần Tài sau này cũng đã được đức Phật ủy thác cho sử dụng phật pháp kết hợp cùng với thần lực của bản thân để giác ngộ cho chúng sinh đói khát, nghèo khổ để họ có thể đi theo con đường của phật pháp. Đồng thời, đức Phật cũng đã giao cho Hoàng Thần Tài làm Đại Hộ Pháp để giúp bảo hộ toàn bộ những dòng truyền thừa.
3. Sự tích mùng 10 tháng Giêng Âm lịch
Chuyện kể rằng Thần Tài chỉ có trên trời, dưới trần gian không có, Thần Tài là vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc.
Trong một lần đi chơi uống rượu, do say quá nên Thần Tài bị rơi xuống trần gian, không may đầu bị va vào đá, nằm mê mệt không biết gì, sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng cải lương thì lấy làm lạ và tưởng ngài bị điên.
Mọi người thấy vậy liền lột sạch hết quần áo mũ nón của Thần Tài và đem đi bán, Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người và do bị va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai.
Do sống trên thiên đình quen rồi nên Thần Tài không biết làm việc dưới trần gian, thường đi lang thang xin ăn khắp nơi. Thần Tài đi ăn xin thì gặp một nhà kia kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy Thần Tài đến ăn xin thì được chủ nhà mời vào ăn.
Thần Tài được chủ quán cho ăn, ông ra sức ăn rất nhiều đặc biệt là ông rất thích thịt heo vịt quay, điều kỳ lạ lúc này là khi ông vào quán này ăn thì không biết từ đâu khách kéo đến nườm nượp, người chủ quán thấy lạ do vậy ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn.
Khách hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng từ hôm thần Tài đến ăn quán bên kia thì khách lại chuyển hết qua quán bên kia ăn. Sau một thời gian người bán hàng đắt khách và cảm thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày lại được ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lại hay thích lang thang không tắm giặt.
Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn nữa và lại thấy hao phí đồ ăn cho một người ăn mày không đáng, người chủ quán liền đuổi ông đi. Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy Thần Tài bị chủ quán bên kia đuổi thì liền mời Thần Tài vào ăn, cũng như lúc trước, mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn quán này rất đông.
Mọi người thấy vậy nên ai cũng ra sức tranh giành mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để có thể kéo khách đến ăn đông, vậy mới có câu "Thần Tài gõ cửa".
Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc thì dẫn ông đi mua lại quần áo, được mọi người dẫn đến cửa hàng nơi quần áo ông bị bán, sau khi mặc lại quần áo mũ nón vào thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện trước kia và bay về trời.
Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và họ lập bàn thờ, tôn thờ ông từ đó, hóa thân Thần Tài là một người lang thang ăn xin quần áo rách rưới.
Ngày Thần Tài bay về trời cũng chính là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch. Do đó cứ hàng năm, hàng tháng nhà nhà mọi người điều lấy ngày mùng 10 làm ngày vía Thần Tài.
Phần II. Góc nhìn Phật giáo
Những câu chuyện về Thần Tài phản ánh sâu sắc niềm tin, phong tục và mong cầu thịnh vượng trong đời sống dân gian. Khi đối chiếu với giáo lý Phật giáo, ta không bác bỏ nhưng cần lý giải những ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau các sự tích để tìm sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân gian và triết lý Phật giáo.
1. Triết lý kinh doanh của Phạm Lãi
Phạm Lãi được tôn vinh là biểu tượng của trí tuệ kinh doanh, với những nguyên tắc quản lý tài chính, buôn bán và quản trị. Một số nguyên tắc nổi bật bao gồm: tiết kiệm, giữ chữ tín, hiểu rõ luật pháp, và tích đức khi phát đạt.
Nhân quả trong kinh doanh: Phật giáo dạy về Chính mạng (trong Bát Chính Đạo) – làm ăn chân chính, không gây hại đến chúng sinh. Phạm Lãi đã nhấn mạnh đến chữ tín, sự chính trực, và tích đức trong kinh doanh, điều này rất phù hợp với tinh thần Phật giáo về việc gieo nhân thiện để gặt quả lành.
Tri túc và tránh tham lam: Phạm Lãi không chỉ làm giàu mà còn chia sẻ tài sản cho anh em, bạn bè. Tinh thần này phản ánh lòng tri túc và từ bi của nhà Phật, nhấn mạnh rằng tài sản vật chất chỉ là phương tiện, không phải mục đích tối thượng.
Tích đức và hành thiện: Phật giáo dạy rằng của cải không phải là thước đo duy nhất của hạnh phúc, mà điều quan trọng là cách sử dụng tài sản để làm lợi ích cho người khác. Phạm Lãi, thông qua việc tích đức và xây dựng các mối quan hệ hài hòa, đã khắc họa một hình ảnh rất gần gũi với người hành Bồ tát hạnh.
2. Sự tích Thần Tài đến ăn hàng quán
Câu chuyện Thần Tài lang thang, ăn xin, mang lại may mắn cho các quán ăn thể hiện khát vọng về tài lộc và sự thịnh vượng trong dân gian. Thần Tài được xem như biểu tượng may mắn, nơi nào ngài đến, nơi đó đông khách, buôn bán phát đạt.
Tầm quan trọng của tâm hoan hỷ: Dưới góc độ Phật giáo, Thần Tài được ví như nhân duyên lành. Quán ăn mời Thần Tài trong hình dáng nghèo khổ, lôi thôi thể hiện lòng rộng lượng, từ bi, thái độ hoan hỷ, không tham chấp và kính trọng đối với vị khách. Chính tâm hoan hỷ và thiện lành đó đã tạo ra duyên tốt, thu hút sự may mắn.
Việc một chủ quán đối xử tử tế với Thần Tài còn cho thấy sự tử tế và không phân biệt đối xử, một nguyên tắc quan trọng trong Phật giáo.
Nghiệp lành dẫn đến quả lành: Các quán ăn đón nhận Thần Tài không chỉ đón khách mà còn gieo nhân lành qua việc tiếp đãi ân cần. Phật giáo nhấn mạnh rằng mọi kết quả tốt đẹp đều đến từ nghiệp thiện, không đơn thuần chỉ nhờ vào sự hiện diện của một vị thần.
Kết luận
Các sự tích về Thần Tài phản ánh khát vọng chân thành về tài lộc và thịnh vượng. Dưới góc nhìn Phật giáo, sự thịnh vượng không đến từ niềm tin mù quáng hay các nghi lễ đơn thuần mà từ tâm thiện, hành thiện và chính mạng. Khi kết hợp tín ngưỡng dân gian với giáo lý nhà Phật, chúng ta có thể dung hòa hai hệ tư tưởng, giữ gìn nét đẹp truyền thống đồng thời xây dựng một cuộc sống an lạc, hạnh phúc dựa trên nhân quả và trí tuệ.
Phạm Tuấn Minh sưu tầm