Sư Thích Pháp Hòa xin lỗi người Khmer: Người tu hành cần nêu gương thúc đẩy đoàn kết dân tộc, tôn giáo

Sư Thích Pháp Hòa là bậc chân tu được nhiều phật tử trong nước quý trọng, song ông cũng từng bị dư luận phản ứng vì thuyết pháp liên quan đến người Khmer.

Sư Thích Pháp Hòa là một vị tu sĩ thiên về truyền thống Tịnh Độ. Trong suốt nhiều năm, ông không chỉ chuyên tâm tu học, trau dồi kiến thức Phật pháp mà còn dành thời gian để thuyết giảng Phật pháp cho Phật tử ở nhiều nơi. Là bậc chân tu có phong cách giản dị, gần gũi, khả năng chuyển tải Phật pháp thâm sâu thành những cách thực hành gần gũi trong đời sống, vì thế ông luôn được các phật tử kính trọng, yêu mến.

Sư Thích Pháp Hòa

Sư Thích Pháp Hòa

Tuy nhiên, trong số những khóa tu, buổi pháp thoại thu hút sự quan tâm của các phật tử, sư Thích Pháp Hòa đã từng lỡ miệng, “bị phốt” liên quan đến phụ nữ Khmer và buộc phải lên tiếng xin lỗi tới cộng đồng người Khmer, cũng như người dân, phật tử.

Theo đó, trên mạng xã hội từng có video “Thầy Thích Pháp Hòa gửi lời xin lỗi đến cộng người Khmer” đăng trên tài khoản Tik Tok (@userthanhtu.1979) do liên quan đến nội dung của một buổi pháp thoại năm 2021. Cụ thể, sư Thích Pháp Hòa có sử dụng bài hát về người Khmer với ca từ: “Lỡ mai thất nghiệp về quê cưới vợ Miên, vợ Miên nó hiền, cưới không tốn tiền…” khiến dư luận, phật tử phản ứng và cho rằng nội dung có ý không tốt về phụ nữ Khmer và cộng đồng người Khmer.

Lên tiếng trước phản ứng của dư luận, trong video “Thầy Thích Pháp Hòa gửi lời xin lỗi đến cộng người Khmer” trên tài khoản mạng xã hội Tik Tok (@userthanhtu.1979), sư Thích Pháp Hòa cho hay, ông đã nắm được những phản ứng không vui về ca từ trong buổi pháp thoại và dư luận cho rằng ông cố ý xúc phạm đến cộng đồng Khmer và người phụ nữ Khmer.

Tuy nhiên, trong video trên, ông nhấn mạnh hoàn toàn không có ý đó cũng như ông không có tâm niệm xấu khi dẫn chứng bài hát về người Khmer. Đồng thời, qua đây ông đã thành tâm gửi lời xin lỗi đến đồng bào người Khmer và mong được công chúng, phật tử rộng lượng bỏ qua.

Mới đây, cũng do có những lời lẽ khiếm nhã, bỡn cợt trong việc kể chuyện, gọi tên bà con Khmer đến chùa Hộ Pháp trong một video ghi hình năm 2023 khi nói về đồng bào Khmer, Đại đức Thích Nhuận Đức đã bị cấm thuyết giảng vô thời hạn, dưới mọi hình thức. Đồng thời, Đại đức Thích Nhuận Đức buộc phải thành tâm sám hối với Trung ương Giáo hội và hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, xin lỗi đồng bào và Phật tử Khmer, thực hiện biệt chúng sám hối đúng Luật Phật chế định.

Video đăng tải nội dung lời xin lỗi của sư Thích Pháp Hòa trên tài khoản TikTok @userthanhtu.1979. Ảnh chụp màn hình

Video đăng tải nội dung lời xin lỗi của sư Thích Pháp Hòa trên tài khoản TikTok @userthanhtu.1979. Ảnh chụp màn hình

Trở lại với lời xin lỗi của sư Thích Pháp Hòa khi sử dụng bài hát về người Khmer, nhiều phật tử cũng đã đón nhận và bảy tỏ sự hoan hỉ bỏ qua trước tình huống lỡ miệng của sư thầy nổi tiếng này.

Có ý kiến chia sẻ rằng, có thể là câu từ không tốt. Những nghe bài giảng đó thấy quả thực là không cố ý xúc phạm phụ nữ Khmer. Vì thế, mong cộng đồng người Khmer chấp nhận lời xin lỗi của thầy. Thậm chí, có phật tử khác bày tỏ là người Khmer, nhưng khi nghe thầy hát vẫn vui và thấy rất dễ thương chứ không có ý gì xúc phạm.

Là quốc gia đa dân tộc, Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống đại đoàn kết trên dải đất hình chữ S. Mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng riêng của mình nhưng không hề có những xung đột và kỳ thị lẫn nhau. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vì thế, chia sẻ với Báo Công Thương, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, những người tu hành thường được xem là những tấm gương sáng về đạo đức và lối sống, do đó họ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết và tinh thần dân tộc. Theo đó, văn hóa ứng xử của người tu hành đối với vấn đề đoàn kết dân tộc và tôn giáo là một chủ đề rất quan trọng và tinh tế.

Với vai trò đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, người tu hành nên sử dụng những giáo lý để giáo dục và tuyên truyền về lòng nhân ái, sự khoan dung và tinh thần hòa hợp dân tộc, tôn giáo. Họ nên khuyến khích mọi người sống tốt đẹp, yêu thương, và tôn trọng lẫn nhau bất kể khác biệt về tín ngưỡng hay sắc tộc

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói thêm, một trong những nguyên tắc quan trọng trong nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, là tinh thần vô ngã, không chỉ nghĩ về lợi ích cá nhân mà còn về lợi ích cộng đồng. Do vậy, người tu hành thường dạy và thực hiện nguyên tắc này, qua đó khuyến khích sự đoàn kết và hài hòa trong xã hội.

Đồng thời, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, người tu hành nên nêu gương trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, khuyến khích sự tôn trọng đối với các tôn giáo khác nhau. Điều này giúp xây dựng một xã hội đa dân tộc, đa tôn giáo hài hòa, nơi mọi người có thể sống chung và tôn trọng lẫn nhau”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/su-thich-phap-hoa-xin-loi-nguoi-khmer-nguoi-tu-hanh-can-neu-guong-thuc-day-doan-ket-dan-toc-ton-giao-332172.html
Zalo