Sự thay đổi về thị hiếu thúc đẩy ngành cà phê Trung Quốc phát triển

Sản lượng cà phê của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, mặc dù vẫn kém xa các cường quốc truyền thống như Brazil, Việt Nam và Colombia.

Người nông dân ở Pu’er đang dần chuyển sang trồng cà phê. Ảnh: AFP

Người nông dân ở Pu’er đang dần chuyển sang trồng cà phê. Ảnh: AFP

Tỉnh Vân Nam là “thủ phủ” chính, chiếm gần như toàn bộ sản lượng cà phê của Trung Quốc, với phần lớn các trang trại cà phê tập trung ở Pu’er thuộc châu tự trị dân tộc Thái ở phía Tây Nam của tỉnh Vân Nam. Trong chuyến thăm tỉnh này vào tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng cà phê của tỉnh “đại diện cho Trung Quốc”.

Pu’er, từ lâu, đã nổi tiếng với loại trà lên men đậm đà, thường được gọi là trà Pu’er hay đôi khi được gọi là “pu-erh”. Loại trà này được yêu thích khắp Đông Á và thậm chí còn lan xa hơn ra khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, khi thế hệ trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các loại cà phê của phương Tây, với các biến thể đa dạng như cà phê espresso đậm đà, cà phê latte bọt sữa hay cà phê “flat white”, những người nông dân ở Pu’er đang dần chuyển sang trồng cà phê, thay vì mở rộng canh tác cây trà.

Tại một quán cà phê nằm trên sườn núi taij Pu’er, anh Liao Shihao, 25 tuổi, chia sẻ: “Mọi người đến để thử cà phê pha tay của chúng tôi và trải nghiệm đầy đủ hương vị mà nó mang lại. Trước đây, họ chủ yếu chọn cà phê thương mại và không thử các loại cà phê thủ công”.

Gia đình anh Liao đã điều hành đồn điền cà phê Xiaowazi, hay còn được gọi là Hẻm Nhỏ, qua ba thế hệ. Nằm trong một thung lũng rợp bóng cây, những cây cà phê mảnh khảnh mọc trên các sườn đồi dốc, với những quả cà phê chín đỏ được phơi trên các tấm gỗ bên ngoài trang trại. Rất nhiều khách du lịch đã đến Hẻm Nhỏ để thưởng thức những ly cà phê được phục vụ thủ công trong không gian quán thoáng đãng, nhìn ra những triền đồi xanh mướt.

Anh Cai Shuwen, 21 tuổi, người đã từng tới tham quan Hẻm Nhỏ, nhận xét: “Rất ngon. Dù một số hạt có vị chát hơn tôi tưởng, nhưng những loại khác vượt ngoài kỳ vọng”.

Theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc, mỗi năm, các đồn điền ở Pu’er bán hàng chục nghìn tấn cà phê cho các thành phố lớn trong nước. Tại các thành phố đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải, văn hóa cà phê đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, chủ yếu nhờ nhóm người trẻ từ 20 đến 40 tuổi.

Sản lượng cà phê của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và chưa chú trọng vào xuất khẩu. Để mở rộng ngành cà phê, chính quyền tỉnh Vân Nam đã triển khai các chính sách cải thiện sản xuất, thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu. Các nhà chức trách của tỉnh kêu gọi các trang trại, doanh nghiệp trồng cà phê kết hợp giữa sản xuất cà phê với du lịch, phù hợp với chiến lược quốc gia nhằm tăng tiêu dùng nội địa.

Bà Yu Dun, một nông dân 51 tuổi, cho biết, bà đã tạo thêm nguồn thu nhập từ các “tour” tham quan đồn điền, tổ chức đón khách theo hình thức “homestay” (ở tại nhà của người bản địa) và một nhà hàng kết hợp cà phê với ẩm thực dân tộc Thái bản địa.

Bà chia sẻ triển vọng kinh doanh rất sáng sủa, đặc biệt vì doanh thu từ hạt cà phê tăng gấp 10 lần kể từ khi bà học cách tự rang và chế biến. Bà nói: “Trước đây, chúng tôi nghĩ chỉ người giàu mới uống cà phê, nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi”.

Diệu Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/su-thay-doi-ve-thi-hieu-thuc-day-nganh-ca-phe-trung-quoc-phat-trien-20250427154103469.htm
Zalo