Sự thay đổi từ nước Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ nhanh chóng triển khai các hành động hành pháp liên quan đến nhập cư, chính sách năng lượng và các hoạt động của chính phủ liên bang nhằm thực hiện hàng loạt chính sách đã đề ra trong chiến dịch tranh cử.
Trong buổi mít tinh tại nhà thi đấu Capital One Arena, Washington tối trước ngày nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ về những thay đổi chính sách quan trọng. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Trump cam kết mang lại một sự khởi đầu mới cho đất nước theo hướng “sức mạnh, thịnh vượng và tự hào”.
Về vấn đề kiểm soát biên giới, tổng thống đắc cử nhấn mạnh, đây là ưu tiên hàng đầu, sẽ lập tức chấm dứt làn sóng di cư từ biên giới Mexico vào Mỹ ngay trong ngày đầu nhậm chức. Ông Trump cũng cam kết thực hiện kế hoạch trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép, mặc dù việc này được cho là sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
Về an ninh quốc phòng, Tổng thống đắc cử Mỹ công bố kế hoạch chỉ đạo quân đội xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “Iron Dome” ngay sau khi nhậm chức. Hệ thống này được cho là sẽ sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, tương tự như hệ thống cùng tên đang được Israel sử dụng. Liên quan đến vấn đề Ukraine, ông Trump khẳng định quan điểm đặt ưu tiên cao cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Trong một cuộc họp báo với các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng hòa, ông Stephen Miller, Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách sắp tới của ông Trump, tiết lộ các sắc lệnh hành pháp tổng thống ký ngay ngày đầu nhậm chức sẽ bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía Nam, chuẩn bị triển khai quân đội ở biên giới, phân loại các băng đảng là “tổ chức khủng bố nước ngoài” và tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến năng lượng, theo đó cho phép mở lại hoạt động khoan ngoài khơi và Bắc cực, đẩy nhanh việc cấp phép xây dựng đường ống.
Theo truyền thông Mỹ, ở nhiệm kỳ hai, ông Trump được chuẩn bị tốt hơn để thực hiện chương trình nghị sự của mình so với nhiệm kỳ đầu năm 2017. Kinh tế là một trong các mục tiêu chính khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Theo Wall Street Journal, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất trong suốt thời gian chính quyền Tổng thống Joe Biden nắm quyền như một cách để giảm tỷ lệ lạm phát liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuộc thăm dò mới nhất của NPR/PBS News/Marist cho thấy, 6/10 người cho rằng nền kinh tế không hoạt động tốt. Có tới 44% người tham gia cuộc thăm dò tin rằng tình hình tài chính gia đình mình sẽ tốt hơn trong năm tới. Điều đó có thể có nghĩa là người dân Mỹ đang kỳ vọng cao với ông Trump. Phần lớn chương trình nghị sự về chính sách kinh tế của ông Trump vẫn bắt nguồn từ sách lược truyền thống của đảng Cộng hòa: cắt giảm thuế thu nhập rộng rãi, tiếp tục bãi bỏ quy định đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và mở rộng hoạt động khoan dầu.
Ngoài ra, ngay trong những giờ đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, ông Donald Trump sẽ tập trung vào việc cải tổ hoạt động của chính phủ liên bang. Những thay đổi lớn diễn ra tại Bộ Ngoại giao khi hàng loạt nhà ngoại giao kỳ cựu dự kiến từ chức ngay trước lễ nhậm chức của Trump. Những nhân sự cấp cao sẽ rời khỏi Bộ Ngoại giao là ông John Bass, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị và ông Geoff Pyatt, trợ lý Bộ trưởng phụ trách các nguồn năng lượng.
12 giờ trưa 20-1 theo giờ miền Đông nước Mỹ (khoảng 0 giờ ngày 21-1 theo giờ Việt Nam), lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump được cử hành tại Điện Capitol (Tòa nhà Quốc hội Mỹ). Ngoài buổi lễ nhậm chức chính thức tại Điện Capitol do ngân sách liên bang chi trả, các sự kiện khác do Ủy ban chuyển giao quyền lực của ông Trump tài trợ. Lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của ông Trump có chi phí cao nhất trong lịch sử Mỹ. Ủy ban chuyển giao quyền lực của ông Trump đã nhận đóng góp hơn 200 triệu USD cho sự kiện này.
PHƯƠNG NAM