Sự thay đổi trong lập trường của Mỹ về xung đột Nga-Ukraine

Là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho Kiev từ khi xung đột nổ ra, nhưng trong thời gian gần đây, lập trường của Washington đang có dấu hiệu thay đổi. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi lớn nào trong lập trường của Mỹ sẽ không xảy ra ngay lập tức.

Sự thay đổi xuất phát từ thực tế

Đại sứ quán Mỹ tại Nga mới đây nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi đạt được một nền hòa bình lâu dài và công bằng. Tuy nhiên, khái niệm “hòa bình công bằng” ở đây không được giải thích rõ ràng, nhưng có thể ám chỉ một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Kiev và các đồng minh phương Tây.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng người đồng cấp Joe Biden sẽ đánh giá cao “kế hoạch chiến thắng” của mình.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng người đồng cấp Joe Biden sẽ đánh giá cao “kế hoạch chiến thắng” của mình.

Theo Đại sứ quán Mỹ, Mỹ ủng hộ quyền tự chủ của Ukraine trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền trước sự tấn công từ Nga. Điều này thể hiện rõ ràng trong lập trường của Mỹ về “kế hoạch hòa bình” do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield đã khẳng định rằng, kế hoạch này là một chiến lược khả thi và hợp lý, vạch ra các mục tiêu cần thiết để chấm dứt xung đột. Mỹ cho rằng, kế hoạch của Tổng thống Ukraine có thể thực hiện được, mặc dù không rõ liệu điều đó có dẫn đến hòa bình lâu dài như Washington mong muốn hay không.

Tuy vậy, theo nhận định của Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC) Andrey Kortunov, mặc dù Mỹ vẫn thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, lời lẽ của Washington về cách chấm dứt xung đột đang dần thay đổi. Washington đã giảm kỳ vọng về một chiến thắng quân sự hoàn toàn của Ukraine. Sự thay đổi này xuất phát từ thực tế rằng, cuộc phản công của Ukraine trong mùa Hè năm 2023 không mang lại kết quả như phương Tây kỳ vọng.

Việc Ukraine không thể đạt được những thành tựu lớn trên chiến trường đã làm giảm đi niềm tin của nhiều nhà lãnh đạo phương Tây vào khả năng đánh bại Nga hoàn toàn bằng biện pháp quân sự. Điều này khiến Washington và các quốc gia châu Âu bắt đầu nghiêng về ý tưởng tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại và nhượng bộ. Theo chuyên gia Andrey Kortunov, sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ không đồng nghĩa với việc lập tức điều chỉnh chính sách, nhưng nó phản ánh thực tế rằng Washington đang cân nhắc những giải pháp khác nhau để chấm dứt xung đột.

Trong khi đó, PGS tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Nga Dmitry Novikov cũng cho rằng, Mỹ đang có xu hướng chuẩn bị cho việc đóng băng xung đột và có thể chấp nhận một lệnh ngừng bắn tạm thời. Điều này bao gồm việc duy trì đường lối giao tranh hiện tại, điều mà phía Nga có thể thấy chấp nhận được. Sự thay đổi này, mặc dù chưa được chính thức công bố, cho thấy Mỹ đang dần chấp nhận thực tế rằng việc kết thúc xung đột bằng vũ lực hoàn toàn không còn là phương án khả thi. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi lớn nào trong lập trường của Mỹ về cuộc xung đột Ukraine sẽ không xảy ra ngay lập tức.

Theo chuyên gia Kortunov, chính trị nội bộ của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách Washington tiếp cận cuộc xung đột này. Trước khi chiến dịch bầu cử hoàn tất, không nên kỳ vọng Mỹ sẽ thay đổi triệt để lập trường của mình. Trong ngắn hạn, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ủng hộ Ukraine và khẳng định lập trường rằng, bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột cũng phải đảm bảo chủ quyền và an ninh của Ukraine. Nhưng, với những áp lực từ chiến trường và những thay đổi trong chính trị nội bộ, Washington có thể phải điều chỉnh kỳ vọng và chiến lược của mình trong tương lai gần.

Và “kế hoạch chiến thắng” mới của Ukraine

Theo dự kiến, Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ trình bày kế hoạch này với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong khuôn khổ các cuộc họp của Đại hội đồng LHQ. Ông cũng sẽ trao đổi với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris về tài liệu chiến lược này.

Theo những thông tin ban đầu, kế hoạch trên gồm bốn điểm chính và sẽ cần một điểm bổ sung sau khi xung đột kết thúc. Bốn điểm này bao gồm: an ninh, vị thế địa chính trị của Ukraine, sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ từ phương Tây và hỗ trợ kinh tế cần thiết cho tái thiết đất nước. Điểm bổ sung sau xung đột, tuy chưa được chi tiết hóa, nhưng được cho là liên quan đến các vấn đề hậu chiến như việc Ukraine cần thiết lập các cơ chế quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền và độc lập của mình.

Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, kế hoạch này dựa trên sự hỗ trợ toàn diện từ Mỹ và phương Tây. Đặc biệt, ông mong muốn thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ quân sự, bao gồm việc cung cấp vũ khí tầm xa, để Ukraine có thể đối phó hiệu quả hơn với các thách thức từ Nga.

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu tại Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) Ivan Safranchuk, “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine có thể không đạt được kết quả như mong đợi. Ông lập luận rằng, một số điểm trong kế hoạch, chẳng hạn như yêu cầu Nga phải tham gia vào các cuộc đàm phán hoặc gia tăng áp lực lên các quốc gia ở khu vực Nam toàn cầu, đã cho thấy những dấu hiệu thất bại. Theo ông, phương Tây có thể đã bắt đầu tính đến khả năng Nga sẽ giành ưu thế, hoặc ít nhất là giữ thế thượng phong trong cuộc xung đột này.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) về các vấn đề CIS (Cộng đồng Các quốc gia Độc lập) Konstantin Zatulin cho rằng, việc nhà lãnh đạo Ukraine trình bày kế hoạch này tại Đại hội đồng LHQ, một tổ chức mà bản thân LHQ đã không có tác động rõ rệt trong việc giải quyết cuộc xung đột, là một lựa chọn không hợp lý.

Mặc dù Ukraine đã kiên quyết phản đối đóng băng xung đột hoặc chấp nhận một kịch bản nhượng bộ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và phương Tây có hoàn toàn đồng ý với kế hoạch của Tổng thống Volodymyr Zelensky hay không. Theo chuyên gia Ivan Safranchuk, một trong những lo ngại của phương Tây là cuộc xung đột có thể kết thúc theo hướng có lợi cho Nga. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong cách phương Tây tiếp cận vấn đề, đặc biệt là trong bối cảnh họ phải cân nhắc các kịch bản hậu chiến.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Tổng thống Ukraine có lý do để kỳ vọng vào sự ủng hộ từ Mỹ. Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Washington, đặc biệt là về mặt quân sự và kinh tế, đã và đang là nguồn lực quan trọng cho Kiev trong cuộc xung đột này. Ông cũng bày tỏ hy vọng người đồng cấp Joe Biden sẽ đánh giá cao kế hoạch của mình và sẽ bổ sung các yếu tố nhằm củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán.

Một điểm đáng chú ý trong “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Volodymyr Zelensky là việc ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sức mạnh quân sự để có thể đạt được các giải pháp ngoại giao. Ông cho rằng, nếu Ukraine không thể duy trì sức mạnh quân sự, Nga sẽ không sẵn lòng ngồi vào bàn đàm phán. Điều này cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn đánh giá cao vai trò của quân sự trong việc định hình kết quả của cuộc xung đột và các giải pháp ngoại giao chỉ có thể được xem xét khi Ukraine có lợi thế trên chiến trường.

Khổng Hà (theo TASS)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/su-thay-doi-trong-lap-truong-cua-my-ve-xung-dot-nga-ukraine-i744778/
Zalo