Sự thật loài rắn tí hon ở Việt Nam với lời đồn mang 'nọc độc chết người'

Nhiều thông tin trên mạng internet và tin đồn lan truyền trong dân gian về một loại rắn tại Việt Nam có kích thước nhỏ bé nhưng có thể cắn chết người. Vậy sự thật là gì?

Rắn giun (tên khoa học Typhlopidae) là một loài thuộc họ Rắn Mù. Chúng có ngoại hình rất giống giun đất nên thường bị nhầm, tuy nhiên rắn giun có màu đen bóng, nếu nhìn dưới ánh sáng sẽ thấy da chúng ánh lên. Rắn giun có vảy và không phân đốt, đặc điểm để phân biệt với giun đất. Đặc biệt, rắn giun cũng có một chiếc lưỡi chẻ đặc trưng của loài rắn.

Rắn giun được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới như châu Phi, vùng Trung Đông, các vùng còn lại của châu Á nhiệt đới và một số khu vực của châu Á có khí hậu ôn hòa, các đảo trên Thái Bình Dương, châu Mỹ (Mexico, Hoa Kỳ), Australia.

Ở Việt Nam, loài rắn này có ở khắp 3 miền, từ miền Bắc cho tới miền Nam, thậm chí là ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Nơi ở ưa thích của chúng là nơi nhiều gỗ mục và dưới đất ẩm, gần tổ kiến, tổ mối.

Dù kích thước của chúng rất bé nhưng khá nhiều người kinh sợ trước loài rắn này. Trong dân gian thường đồn đại rằng rắn giun cực kỳ độc, chỉ cần bị cắn trúng là cầm chắc cái chết.

Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Rắn giun là một loài vật hoàn toàn vô hại với con người. Miệng của chúng quá bé và không có răng nanh nên không thể cắn người. Một con rắn giun trưởng thành chỉ dài khoảng hơn 20cm, nhỏ hơn cả một con giun đất cỡ lớn. Chúng cũng không hề có nọc độc vì không cần phải săn mồi. Thức ăn chủ yếu của rắn giun là trứng kiến và trứng mối.

Theo nghiên cứu, do tập tính sống trong đất như giun nên mắt rắn giun thoái hóa, chỉ còn một cặp chấm nhỏ hầu như không có tác dụng quan sát. Vì thế ở nhiều nơi chúng còn được gọi là rắn mù.

Mắt của loài rắn này không thể tạo ra hình ảnh, nhưng có thể giúp chúng phản ứng với cường độ ánh sáng, từ đó phân biệt được môi trường xung quanh.

Rắn giun chủ yếu sử dụng lưỡi để dò đường. Thông qua chiếc lưỡi này, chúng có thể "nếm" không khí và đánh giá độ ẩm, sự lay động trong không khí, mùi của các sinh vật khác và nơi dẫn đến thức ăn.

Đặc biệt rắn giun là loài sinh sản đơn tính. Chúng không có con đực, toàn bộ rắn giun phát hiện được trong tự nhiên đều là rắn cái. Rắn cái đẻ từ 1-8 trứng kích thước 2x6 mm và con non nở ra từ trứng cũng là con cái có các đặc tính di truyền giống hệt con mẹ.

Trên thực tế, rắn giun không phải là loài rắn hiếm gặp, nhưng do chúng thường chui rúc dưới đất và ít khi bò ra ngoài để kiếm ăn, bên cạnh đó hình dáng của chúng trông giống với giun đất nên nhiều người nhầm lẫn và không nhận ra đây là một loài rắn.

Do có kích thước nhỏ, rắn giun rất hiền lành và nhút nhát, luôn tìm cách bỏ trốn khi gặp nguy hiểm. Khi bị đe dọa, loài rắn này có thể phát ra mùi khó chịu để tự vệ.

Giống như giun đất, rắn giun là loài hữu ích với con người. Chúng đào đất giúp cho đất tơi hơn, nhiều dinh dưỡng và thoáng khí, có lợi cho cây trồng.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/su-that-loai-ran-ti-hon-o-viet-nam-voi-loi-don-mang-noc-doc-chet-nguoi-204240806163850187.htm
Zalo