Sự thành tựu khổ hạnh từ bài kinh nguyên thủy

Thế Tôn dạy huấn những vấn đề cao thượng hơn khổ hạnh, là căn bản phạm hạnh đạt đến tịnh lạc. Thế Tôn không nói phải bỏ những truyền thống Tổ sư để lại, mà chỉ ra những pháp bất thiện cấu uế, đem lại khổ đau, Thế Tôn thuyết để diệt trừ.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

Phần I. Duyên khởi kinh

Nội dung bài giảng được lấy từ kinh Ưu – đàm – bà – la sư tử hống (Udumbarikà – Sìhanàda sutta). Một thời, Thế Tôn ở tại Vương Xá (Ràjagaha), núi Kỳ - xà – quật (Gijjihakùta). Lúc bấy giờ du sĩ Ni – câu – đà (Nigrodha) ở tại vườn của nữ hoàng Ưu – đàm – bà – la (Udumbarikà) cùng với hội đại chúng. Thế Tôn đến tại chỗ du sĩ Ni – câu – đà

Ảnh: St

Ảnh: St

Phần II. Nội dung kinh

1. Các pháp khổ hạnh ngoại đạo cho rằng là sự thành tựu

Sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch.

Đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận lời mời đi ăn, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên góp, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, thịt, không uống rượu men.

Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà hay ăn một miếng, chỉ nhận ăn tại bảy nhà hay chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần.

Vị này chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột vải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, ăn nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm đã quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vải vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú.

Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, không ngồi, là người ngồi chõ hỏ (chồm hỗm), là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che kín thân mình, sống và ngủ ngoài trời; theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật; theo hạnh ăn các uế vật.

Mời bạn đọc tham khảo thêm khổ hạnh qua kinh Ca - diếp Sư tử hống

2. Phật giảng các pháp khổ hạnh này không phải sự thành tựu, mà đưa đến sự cấu uế

1. Hành khổ hạnh như vậy, vị này dẫn tới khen mình, chê người.

2. Hành khổ hạnh như vậy, trở thành nhiễm trước, mê say.

3. Hành khổ hạnh như vậy, vị ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng, do vậy mà tâm tư thỏa mãn, đắm chìm, tự cao, tự đại.

4. Hành khổ hạnh như vậy, vị ấy sinh ra sự phân biệt các loại đồ ăn, món này hợp, món này không hợp với ta. Đối với các món không thích thì cố tình bỏ đi, đối với thức ăn thích thì chủ ý giữ lại, tham đắm, không phân biệt chúng là không giải thoát, thọ hưởng chúng.

5. Hành khổ hạnh như vậy, nhân vì mong mỏi được cúng dường cung kính, danh vọng bởi bậc vua chúa, giai cấp cao, nên tạo thành cấu uế.

6. Hành khổ hạnh như vậy, sinh tật đố kỵ, ghen ghét với những gia đình cúng dường sa môn, mà không cúng dường bậc khổ hạnh.

7. Hành khổ hạnh như vậy, vị ấy không chấp nhận những thuyết đáng được chấp nhận của các bậc sa môn.

8. Hành khổ hạnh như vậy, dễ tạo lòng tức giận và ôm lòng oán thù.

9. Hành khổ hạnh như vậy, dễ mắc tà kiến, tư tưởng cực đoan, chấp trước kinh nghiệm tự thân có thể sai trái, cứng đầu.

3. Phật khai thị khổ hạnh đạt đến tối thượng

3.1. Khổ hạnh đạt đến lớp vỏ bên ngoài

1. Không khen mình, chê người.

2. Không nhiễm trước, mê say.

3. Được cúng dường nhưng không đắm chìm, không tự cao.

4. Được cúng dường, không phân biệt món ăn, không mong mỏi ai cung kính, ai cúng dường, không ghen ghét.

5. Chấp nhận các thuyết đúng sự thật.

6. Không tức giận, không ôm lòng oán thù.

7. Không bị chi phối bởi tà kiến, tư tưởng không cực đoan, không chấp trước.

3.2. Khổ hạnh đạt tới lớp căn bản, tối thượng

1. Vị khổ hạnh tu 4 pháp chế ngự: 1. Không sát sinh, không bảo người khác sát sinh, không hoan hỷ với sự sát sinh; 2. Không lấy của không cho, không khiến người khác lấy của không cho, không tùy hỷ với lấy của không cho; 3. Không nói láo, không khiến người khác nói láo, không tán thán nói láo; 4. Không tham vọng dục tình, không khiến người khác có tham vọng dục tình, không tán thán tham vọng dục tình.

2. Vị ấy tu tập loại trừ 5 triền cái: 1.Từ bỏ tham ái ở đời, an trú với tâm thoát ly tham ái, gột sạch sự tham ái; 2.Từ bỏ sân hận, an trú tâm thoát ly sân hận, khởi lòng thương tưởng mọi loài chúng sinh; 3.Từ bỏ hôn trầm, thụy miên, an trú tâm thoát ly, tưởng niệm đến ánh sáng, chính giác; 4.Từ bỏ trạo hối, an trú tâm thoát ly, nội tâm an tịnh; 5.Từ bỏ nghi hoặc, an trú tâm thoát ly, không nghi ngờ các thiện pháp.

3. Vị ấy tu tập tâm câu hữu với Tứ vô lượng tâm: Từ bỏ 5 triền cái, với trí tuệ làm cho các tâm cấu uế giảm nhẹ, vị ấy an trú tâm câu hữu với từ, cùng khắp mọi phương, quảng đại vô biên, không hận, không sân; tương tự với tâm bi, hỷ, xả.

4. Vị ấy nhờ đó, mà biết rõ chúng sinh có người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do nghiệp của họ mà ra. Những chúng sinh làm ác nghiệp về thân, khẩu, ý, khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những bậc hiền giả, làm những thiện hạnh thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên cõi tốt lành.

Lời kết

Thế Tôn dạy huấn những vấn đề cao thượng hơn khổ hạnh, là căn bản phạm hạnh đạt đến tịnh lạc. Thế Tôn không nói phải bỏ những truyền thống Tổ sư để lại, mà chỉ ra những pháp bất thiện cấu uế, đem lại khổ đau, Thế Tôn thuyết để diệt trừ.

***

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

***

TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 3 - Kinh Ưu – đàm – bà – la sư tử hống (Udumbarikà – Sìhanàda sutta), Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/su-thanh-tuu-kho-hanh-tu-bai-kinh-nguyen-thuy.html
Zalo