Trong nhiều thập kỷ, Iran đã dày công xây dựng và thúc đẩy khái niệm về cái gọi là "Trục kháng chiến" của mình, bao gồm lực lượng ủy nhiệm và các đồng minh trong khu vực.
"Trục kháng chiến" của Iran bao gồm Hamas, Hezbollah, chính quyền Damascus của Tổng thống Bashar al-Assad, các nhóm vũ trang sắc tộc Shiite ở Iraq và lực lượng vũ trang Houthi tại Yemen.
Chiến lược nói trên được thực thi nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng của Tehran trong khu vực Trung Đông, đối trọng với Israel và chống lại các lợi ích của phương Tây.
Mặc dù vậy chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn vừa qua, "trục kháng chiến" của Iran đang tan rã nhanh chóng khi Tehran không thể hỗ trợ các đồng minh và gần như phải thừa nhận sự thất bại trong chính sách khu vực của mình.
Lãnh đạo tối cao Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng như các quan chức Tehran buộc phải nói rằng "Trục kháng chiến" chưa bao giờ là một khái niệm, Tehran chỉ hỗ trợ các nhóm vũ trang thay vì kiểm soát hành động của họ.
Sự thay đổi mạnh mẽ trong các phát ngôn như vậy cho thấy một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược chính sách đối ngoại của Cộng hòa Hồi giáo trước tình hình diễn biến rất nhanh thời gian qua.
Nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của “Trục kháng chiến” nằm ở một vài yếu tố, cả tác động từ bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ.
Vấn đề đầu tiên phải nói tới là nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn lớn sau nhiều năm bị trừng phạt nặng nề, dẫn tới khủng hoảng do bị quốc tế cô lập, từ đó hạn chế khả năng hỗ trợ cho các nhóm vũ trang ủy nhiệm trong khu vực.
Tiếp theo là áp lực ngày càng tăng từ Israel và Mỹ, bao gồm cả những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng và tài sản của Iran tại Syria và Iraq, làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh quân sự cũng như khả năng hậu cần của họ.
Cuối cùng, sự bất ổn ngày càng lớn hơn ngay trong nước với vô số cuộc biểu tình đã buộc chính quyền Iran phải sắp xếp lại ưu tiên, khi tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ thay vì bên ngoài.
Yếu tố nữa là mối quan hệ của Iran với các thành viên chủ chốt của “Trục kháng chiến” đã suy giảm mạnh, điển hình như Hamas trước đây luôn nhận được hỗ trợ đáng kể từ Tehran, nhưng gần như không có trợ giúp nào vào thời điểm xung đột với Israel lên đến đỉnh điểm.
Nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon mặc dù phụ thuộc vào viện trợ của Iran, cũng phải đối mặt với việc cắt giảm. Chính quyền cũ tại Syria, cho đến gần đây vẫn được coi là một đồng minh quan trọng của Iran, đã thấy mình ở ngoài lợi ích chiến lược của Tehran.
Còn đối với những nhóm vũ trang theo sắc tộc Shiite ở Iraq, họ có vẻ đã nhận được yêu cầu trực tiếp là tránh công khai hoạt động và không gây ra những cuộc xung đột mới.
Lực lượng Houthi ở Yemen được Tehran hỗ trợ trong cuộc đối đầu với Saudi Arabia giờ đây thực tế đã bị bỏ rơi. Mối đe dọa chính đối với Houthi là các cuộc tấn công dữ dội của Không quân Mỹ và Israel, họ buộc phải tự mình đối phó khi Tehran chẳng thể can thiệp.
Với thực tế trên, ảnh hưởng của Iran trong khu vực dự báo sẽ suy giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới và Tehran cần phải sớm xây dựng chiến lược mới hoàn toàn.
Việt Dũng
Theo Avia/Reporter