Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley: Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cho hệ thống ngân hàng

Silicon Valley Bank (SVB) là một ngân hàng thương mại đặc biệt được thành lập vào năm 1983 tại Santa Clara, California, Hoa Kỳ và đã phá sản vào sáng ngày 10/3/2023, sau đó được Cơ quan Quản lý Liên bang Hoa Kỳ tiếp quản. Vài ngày trước khi sụp đổ, Ngân hàng Silicon Valley vẫn được xem là một tổ chức tài chính uy tín trong giới công nghệ khi cung cấp dịch vụ cho hàng nghìn startup tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 48 giờ, ngân hàng này bất ngờ phá sản. Sự sụp đổ quá nhanh và bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley đã trở thành vụ đổ vỡ nhà băng lớn thứ nhì trong lịch sử Hoa Kỳ. Việc phân tích diễn biến, nguyên nhân Ngân hàng Silicon Valley phá sản sẽ là bài học sâu sắc cho tất cả các ngân hàng trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Diễn biến sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley

Silicon Valley Bank (SVB) là một ngân hàng thương mại đặc biệt, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính như: tài khoản tiền gửi, cho vay, quản lý tài sản và thanh toán, cũng như các dịch vụ tư vấn tài chính. Ngân hàng tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp ở các ngành công nghệ và sáng tạo, bao gồm: công nghệ thông tin, phần mềm, internet, thiết bị y tế và năng lượng. SVB đã cung cấp dịch vụ tài chính cho khoảng một nửa các công ty về công nghệ và chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm tại Hoa Kỳ. Các công ty công nghệ và khởi nghiệp có xu hướng lựa chọn SVB, vì SVB hỗ trợ hoạt động có rủi ro cao mà không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng chấp nhận điều này.

Tính đến tháng 1/2023, ngân hàng này sở hữu 212 tỷ USD tài sản, là ngân hàng lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ (SVB, 2023). Bảng 1 cho thấy, hoạt động của SVB rất phát triển, trong đó, thu nhập trước chi phí thuế thu nhập của SVB đã tăng lên 3,391 tỷ USD vào năm 2022, so với 2,299 tỷ USD vào năm 2021 và 1,407 năm 2020.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ số và thiết bị điện tử. Trong bối cảnh nhu cầu cho sản phẩm công nghệ tăng cao, các công ty công nghệ có lượng tiền mặt khổng lồ từ tăng trưởng doanh thu và từ đầu tư của những quỹ đầu tư mạo hiểm đã gửi số tiền này vào SVB. Điều này khiến tiền gửi tại SVB tăng vọt từ năm 2020.

Sự sụp đổ của SVB diễn biến rất nhanh chóng. Ngày 8/3/2023, SVB thông báo lỗ 1,8 tỷ USD sau khi phải bán các khoản đầu tư chứng khoán có tổng giá trị 21 tỷ USD và ngân hàng này dự kiến phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu để bù đắp thua lỗ. Sự việc càng trở nên xấu đi khi Moody’s hạ xếp hạng của SVB, đồng thời một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn như quỹ Founders Fund khuyến nghị các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của mình rút tiền khỏi SVB. Ngày 9/3/2023, khách hàng của SVB ồ ạt đến rút tiền, ước tính lượng tiền rút ra khoảng 42 tỷ USD trong một ngày và cổ phiếu của SVB giảm tới 60%.

Không giống như những ngân hàng khác, khách hàng cá nhân của SVB có quy mô tiền gửi tương đối lớn, với hầu hết các khách hàng của SVB đã gửi tiền nhiều hơn giới hạn được bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) là 250.000 USD. Trước tình hình đó, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định không giải cứu SVB. Những khách hàng thuộc hạn mức bảo hiểm tiền gửi sẽ được bồi thường tối đa 250.000 USD theo luật của Hoa Kỳ. Những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi (chiếm 87% tổng số khách hàng) sẽ phải chờ đến khi FDIC bán tài sản và hoàn trả lại sau.

SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Hoa Kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng nước này.

Nguyên nhân khiến Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ

Sự sụp đổ của SVB có thể được lý giải do 3 nguyên nhân chính, gồm: Khả năng phân tích, dự báo và quản lý rủi ro yếu kém; Sự thiếu đa dạng trong chiến lược kinh doanh; Sai lầm trong truyền thông.

Trước hết, nguyên nhân khiến SVB sụp đổ là do khả năng phân tích, dự báo và quản lý rủi ro yếu kém. Trong năm 2021 SBV nhận được một lượng lớn tiền gửi từ các startup công nghệ và đầu tư mạo hiểm. Lượng tiền tăng từ 60 tỷ USD vào đầu năm 2020 lên đến hơn 190 tỷ USD vào đầu năm 2022. Lượng tiền tăng trưởng quá nhanh khiến SBV tập trung vào mua trái phiếu, trong đó có nhiều trái phiếu dài hạn. Trong danh mục này, khoảng 91 tỷ USD là trái phiếu dài hạn có lãi suất cố định bình quân ở mức 1,64%/năm.

Dù mức lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài chỉ cao hơn một chút so với trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, nhưng các khoản đầu tư này đã khóa chặt thanh khoản của SVB trong dài hạn. Trên thực tế, SVB đã sử dụng các khoản tiền gửi ngắn hạn từ các khách hàng để mua trái phiếu có kỳ hạn dài. Lỗ hổng của SVB có thể được nhìn thấy bằng cách so sánh với bảng cân đối của các ngân hàng khác, khi SVB có tỷ lệ tiền gửi trong tổng tài sản nợ lớn hơn. Cuối năm 2022, trong tổng nguồn vốn của SVB thì có gần 82% đến từ tiền gửi.

Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất quá nhanh và mạnh (để chống lạm phát lên cao kỷ lục 40 năm, ở mức 9,1% vào tháng 6/2022) đã khiến hàng loạt startup công nghệ cũng như đầu tư mạo hiểm mà SBV tài trợ vốn rơi vào khó khăn. Chỉ trong vòng khoảng một năm, từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023, Fed đã 8 lần nâng lãi suất, với tổng mức tăng 450 điểm (từ 0-0,25% lên 4,5-4,75%/năm như hiện tại).

Điều này khiến hàng loạt startup công nghệ cũng như đầu tư mạo hiểm mà SBV tài trợ vốn rơi vào khó khăn. Họ nhận thấy SVB không còn an toàn khi lãi suất các khoản vay của SBV thấp hơn nhiều so với lợi suất của trái phiếu kho bạc 10 năm hiện tại của Hoa Kỳ. Đây chính là yếu tố khiến nhiều người đồng loạt rút tiền khỏi SBV. Lúc này rủi ro của việc đem tiền gửi ngắn hạn đi đầu tư dài hạn đã chính thức lộ diện.

SVB phải bán bớt trái phiếu để lấy tiền cho khách hàng rút. Nhưng SVB đã mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ lúc lãi suất thấp chỉ 1,79%, song ở thời điểm đó, lãi suất trái phiếu đã tăng lên tới 3,9%. Điều này khiến SVB chỉ bán có 21 tỷ USD trái phiếu đã lỗ 1,8 tỷ USD. Thực tế, SVB mua tổng cộng 128 tỷ USD trái phiếu nên lỗ là rất lớn. Khi xuất hiện khoản lỗ trên bảng cân đối kế toán, SVB phải huy động vốn để bù đắp khoản lỗ đó.

Nhưng khi hiện tượng tháo chạy của người gửi tiền bắt đầu, việc bán tháo trái phiếu, kể cả ở mức thua lỗ vẫn không đủ để bù đắp cho nhu cầu thanh khoản của người rút tiền. Vào ngày 08/3/2023, Ngân hàng ra thông báo rằng, họ cần huy động thêm 2,5 tỷ USD để cân đối. Điều này đã khiến khách hàng gửi tiền vào SVB nghĩ rằng ngân hàng này đang thiếu tiền nên một số người đi rút tiền khỏi SVB và điều đó đã gây ra một hiệu ứng lan truyền vô cùng mạnh mẽ. Vì càng nhiều người rút tiền thì những người khác càng lo lắng rằng tiền có thể cạn kiệt và mình cũng phải rút. Kết quả là chỉ trong 2 ngày, khách hàng đã rút khỏi SVB số tiền lên tới 42 tỷ USD. Đây là một số tiền rất lớn. Niềm tin vào SVB sụp đổ và ngân hàng cũng sụp đổ theo. Cuối cùng, ngày 10/3/2023, SVB phải thông báo rằng, họ không còn tiền mặt để khách hàng rút nữa.

Thứ hai, là sự thiếu đa dạng trong chiến lược kinh doanh của SVB, khi chỉ tập trung vào một số lĩnh vực hẹp, bao gồm các khách hàng là doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ sức khỏe. Tuy các doanh nghiệp này đã phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 nhưng đây là những lĩnh vực vẫn được đánh giá có rủi ro cao và phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh tế. Khác với các ngân hàng khác nhận tiền gửi từ khách hàng cá nhân, SVB chủ yếu nhận tiền gửi từ khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ sức khỏe.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực công nghệ, nhiều khách hàng của SVB đã rút tiền gửi tại ngân hàng để chi trả hóa đơn của mình. Bên cạnh đó, Fed liên tục tăng lãi suất đã làm giảm dòng tiền đầu tư và khi vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, những công ty công nghệ và khởi nghiệp buộc phải rút tiền để tồn tại. SVB không có lượng tiền mặt đủ lớn để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng dài hạn. Tình trạng trở nên xấu đi khi chỉ có khoảng 13% lượng tiền gửi của SVB có bảo hiểm, với mức bảo hiểm tối đa 250.000 USD, là khá khiêm tốn so với quy mô tiền gửi của mỗi khách hàng (lên đến hàng triệu USD).

Thứ ba, SVB xử lý truyền thông không tốt. Sự hoảng loạn của đám đông đã đẩy nhanh hơn quá trình đưa ngân hàng này tới bờ vực phá sản. SVB ra thông báo về tình trạng khó khăn của mình cùng thời điểm với Ngân hàng Silvergate (một trong những ngân hàng cho vay tiền mã hóa lớn nhất) công bố ngừng hoạt động. Điều này khiến cho tâm lý bi quan về hoạt động của SVB tăng mạnh. Trong thông cáo báo chí đưa ra, SVB chỉ đề cập đến các khó khăn mà hoàn toàn thiếu đi sự giải thích và trấn an công chúng về tình trạng tài chính của mình.

Nguồn: SVB Financial Group (2023)

Bài học kinh nghiệm

Sự sụp đổ của SVB là lời cảnh báo tới các ngân hàng trên toàn cầu cũng như các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho hoạt động đầu tư/cho vay dài hạn mà thiếu kiểm soát một cách an toàn. Qua vụ việc SVB, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho các ngân hàng như sau:

Thứ nhất, không nên đầu tư tập trung theo kiểu “bỏ trứng vào một giỏ”. Việc phân tán rủi ro trong đầu tư cần được cân nhắc hợp lý. Các ngân hàng cần đa dạng hóa chiến lược của mình, đa dạng hóa khách hàng, danh mục đầu tư, không quá tập trung vào các danh mục đầu tư dài hạn. Hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại có đặc điểm là tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn lớn, nếu các ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đi đầu tư, cho vay trung, dài hạn (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản) có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản.

Thứ hai, các ngân hàng cần chuẩn bị lượng dự phòng về tiền mặt để sẵn sàng đề phòng nếu người dân ồ ạt rút tiền. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải đưa ra hạn mức giới hạn khi cho vay các ngân hàng khác, tăng lượng tiền dự trữ tại ngân hàng trung ương, thực hiện giải pháp để đánh giá sức chịu đựng của ngân hàng mình.

Thứ ba, các ngân hàng cũng phải sẵn sàng nguồn dự phòng rủi ro cho những khoản đầu tư dài hạn như: trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đặc biệt khi tình hình thị trường bắt đầu diễn biến xấu.

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Thị Tuyết Minh (2023), Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley - Những vấn đề đặt ra, https://tapchinganhang.gov.vn/su-sup-do-cua-ngan-hang-silicon-valley-nhung-van-de-dat-ra.htm;

2. Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Hồng Hải (2023), Rủi ro dẫn tới sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley: Bài học cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 14(841), 78-81;

3. SVB Financial Group (2023), Annual report pursuant to section 13 or 15(d) of the Securities Exchange Act of 1934 for the fiscal year ended December 31, 2022,

4.https://www.sec.gov/Archives/edgar/data/719739/000071973923000021/sivb-20221231.htm#ibb4dd73a1d3f4bff944b5d35fd2c5e2a_91;

5. SVB (2023), Financial highlights Q4 2022, https://www.svb.com/newsroom/facts-at-a-glance;

6. S&P Global IQ (2023), Silicon Valley Bank Financial Report.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023

TS. Lê Thanh Huyền - Trường Đại học Hòa Bình

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-sup-do-cua-ngan-hang-silicon-valley-nguyen-nhan-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-he-thong-ngan-hang.html
Zalo