Sự sống hồi sinh trong những ngày xuân mới

Trong những ngày đầu tiên của năm mới Ất Tỵ, một trái tim và hai quả thận được hiến từ bệnh nhân chết não đã nảy nhịp sống mới trong ba cơ thể đang mòn mỏi trông chờ ghép tạng.

Nảy mầm sự sống

Trong hai ngày 30 và 31/1 (mùng 2 và mùng 3 tết Ất Tỵ 2025), tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã thực hiện thành công ba ca ghép tạng. Một trái tim và hai quả thận nhận từ người cho chết não đã hồi sinh cho ba bệnh nhân.

Một ca ghép tim thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Một ca ghép tim thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Anh N.T.C (37 tuổi ở Vĩnh Phúc) chung sống với căn bệnh cơ tim suốt 10 năm đã được ghép tim thành công. Trong khi đó, hai bệnh nhân suy thận là em V.T.P.L (20 tuổi, quê Phú Thọ) và chị P.T.H (41 tuổi, quê Nghệ An) đã được mang trong mình quả thận mới.

Theo TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Tết là thời khắc đoàn viên, nhưng không phải ai cũng có may mắn ở bên gia đình. Có những người đã chọn quyết định hiến tạng người thân chết não để trao cơ hội sống cho người khác.

Đó là nghĩa cử cao đẹp, là sự sẻ chia thiêng liêng, giúp những người bệnh đang cận kề cái chết được hồi sinh. Và chính trong những ngày đầu năm, phép màu ấy càng trở nên ý nghĩa hơn.

Cuộc đời mới

Tròn một năm được ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương, với cô sinh viên trẻ Phạm Anh Thư, Tết năm nay thật đặc biệt. Em đã có một cuộc sống mới, được quây quần bên gia đình, có thể phụ giúp bố mẹ trang trí bày biện mâm cỗ cúng gia tiên, cùng bố mẹ đi chúc Tết nội ngoại.

Thư vẫn nhớ lời nói đầy lo ngại của bác sĩ điều trị vào ngày 28 Tết, cơ hội sống chỉ còn tính bằng tháng ngày ngắn ngủi nếu không có phổi ghép. Năm đó, Thư quyết định rời bệnh viện về nhà đón Tết với suy nghĩ "Tết cuối cùng được ở nhà".

Và tin vui bất ngờ đến với Thư vào đúng ngày áp Tết: Em có cơ hội được ghép phổi. Rồi em may mắn là một trong ba bệnh nhân có chỉ số trùng khớp nhất.

Ca ghép phổi vào đúng ngày đầu năm mới 2024 với nhiều thách thức đã thành công, đưa cô sinh viên nhỏ với nhiều hoài bão bước qua lằn ranh sinh tử. Trải qua thời gian dài sau phẫu thuật ghép, Thư phục hồi và được trở về bên gia đình.

Thư bày tỏ: "Khi nào em thấy sức khỏe của mình thực sự hồi phục, em sẽ vào thăm gia đình người đã hiến tạng cho em để được nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng. Và nếu có thể, em cũng muốn được làm con của gia đình…".

Chờ ngày trở lại công việc

Được cảm nhận đầy đủ hương vị tết Nguyên đán năm nay, với anh Đặng Thái Mạnh (28 tuổi, sống tại TP.HCM) đó là một món quà vô giá. Tốt nghiệp đại học y khoa, chuyên ngành răng hàm mặt năm 2020, đi làm được 1,5 năm, anh Mạnh bắt đầu phát hiện mình mắc bệnh ở phổi và dần tiến triển thành xơ. Từ đầu năm 2023, anh điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với chỉ định tối ưu là ghép phổi.

Các bác sĩ mặc niệm trước người hiến tạng.

Các bác sĩ mặc niệm trước người hiến tạng.

Từ người có thể trạng khỏe khoắn, đam mê thể thao, nhưng chỉ sau hai tháng bệnh trở nặng mỗi khi lên cầu thang anh không thể bước quá 4 bậc, chức năng phổi chỉ còn khoảng 20%. Anh Mạnh phải duy trì oxy suốt 24/24h để bảo vệ trái tim có triệu chứng suy do thời gian dài gắng sức. Chờ đợi phổi hiến phù hợp là cửa ngách duy nhất để anh bước qua bạo bệnh nhưng vô cùng khó khăn, thách thức.

Phép nhiệm màu xuất hiện vào một ngày cuối tháng 11/2024, anh Mạnh nhận cuộc gọi từ BS Lê Ngọc Huy, Phó giám đốc Trung tâm ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương. Lời nhắn ngắn ngủi "Có phổi phù hợp rồi, hôm nay em phải ra gấp, xem mua vé máy bay ngay và báo lại cho anh" từ BS Huy đã mang đến niềm hy vọng cho Mạnh.

Và trên chuyến bay sớm nhất có thể, anh Mạnh đã có mặt ở Hà Nội với vật bất ly thân là chiếc bình oxy mini. Mạnh là ca ghép phổi thứ 3 được thực hiện trong năm 2024 tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Ca mổ kéo dài 10 giờ đồng hồ với sự hợp lực của thầy thuốc nhiều bệnh viện. Mặc dù ca phẫu thuật đối mặt với nhiều vấn đề như bệnh nhân mất nhiều máu, 2 lần bị phù phổi cấp, 1 lần phải chạy ECMO... nhưng đã cán đích thành công khi mang lại cuộc sống mới cho chàng trai trẻ.

Gần 1,5 tháng sau ca ghép phổi, anh Mạnh đã phục hồi và một ngày không xa sẽ trở lại với công việc của mình.

Theo TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trên thế giới ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển bởi đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn. Ghép phổi đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt từ con người đến kỹ thuật.

Quy trình từ đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận chặt chẽ đến việc lấy, ghép phổi... luôn đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực... và quá trình hậu phẫu để quyết định sự sống của người bệnh.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/su-song-hoi-sinh-trong-nhung-ngay-xuan-moi-192250204130609426.htm
Zalo