Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công
Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Mỹ Tho và Gò Công ra đời là một sự kiện chính trị trọng đại, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Mỹ Tho - Gò Công, lãnh đạo nhân dân địa phương lập nên nhiều chiến công, góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.Năm 1861, thực dân Pháp nổ súng xâm lược tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công. Sau một thời gian ổn định và áp đặt bộ máy thống trị, chúng tiến hành thực hiện các chính sách khai thác thuộc địa. Kẻ thù chính của nhân dân là thực dân Pháp và giai cấp địa chủ.
Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và trí thức tiến bộ, trong đó động lực của cách mạng là công nhân và nông dân. Năm 1926, đồng chí Phan Trọng Bình, học viên khóa I Tổng bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên được phân công về Nam kỳ hoạt động, gây dựng cơ sở và chọn người gửi đi học.
Đồng chí liên lạc với đồng chí Tôn Đức Thắng và một số người yêu nước ở Mỹ Tho - Gò Công để tuyển chọn thanh niên gửi đi học. Đầu năm 1927, một số thanh niên yêu nước ở Mỹ Tho - Gò Công được gửi đi học. Sau khi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), học viên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và phân công về địa phương xây dựng, phát triển phong trào cách mạng.
Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Trần Ngọc Giải làm Bí thư. Tỉnh bộ đóng tại thị xã Mỹ Tho, phân công hội viên xây dựng cơ sở cách mạng ở thị xã Mỹ Tho, xã Vĩnh Kim (quận Châu Thành), xã Lộc Thuận (quận An Hóa). Tháng 11-1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Gò Công thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư. Tỉnh bộ đóng tại xã Vĩnh Hựu, sau dời đến tỉnh lỵ Gò Công.
Sau cuộc hội nghị thành lập Đảng, 2 đại biểu là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu ở Nam kỳ trở về Sài Gòn liên lạc với Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng và đồng chí Ngô Gia Tự thành lập Ban lâm thời cấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ, có 4 đồng chí, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Ban lâm thời cấp ủy phân công cán bộ về Mỹ Tho - Gò Công tiến hành thống nhất các cơ sở Đảng.
Tháng 2 đến tháng 4-1930, các chi bộ Đảng Cộng sản ở Mỹ Tho - Gò Công được thống nhất và xây dựng thêm như: Ở thị xã Mỹ Tho có Chi bộ Xóm Dầu (phường 3), Chi bộ Collège de Mytho, Chi bộ Hãng Xáng; ở quận Châu Thành có Chi bộ Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn, Long Hưng…; ở quận Chợ Gạo có Chi bộ Chợ Ông Văn; ở quận Cai Lậy có Chi bộ Chợ Cai Lậy, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Đông, Thanh Hòa, Nhị Quý.
Năm 1928, Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam kỳ phân công đồng chí Nguyễn Ngọc Ba về phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Nhiều đồng chí được phân công vào nhà máy, hãng xưởng và thâm nhập vào nông thôn. Một mặt, qua phong trào, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá rộng rãi trong quần chúng.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Mỹ Tho - Gò Công, phong trào yêu nước những năm 1927 - 1929 ở Mỹ Tho - Gò Công có bước phát triển. Các cuộc đấu tranh đều có tổ chức, lãnh đạo và lan rộng từ thành thị đến nông thôn.
Ngày 7-8-1929, các hội viên tiên tiến trong Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam kỳ triệu tập hội nghị, gồm đại biểu được chọn lọc và chỉ định ở các tỉnh để bàn việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Các đại biểu đều trở thành đảng viên và có nhiệm vụ chọn lựa trong Việt Nam Cách mạng Thanh niên những người nòng cốt kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng.
Giữa tháng 8-1929, Ban Chấp hành An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Nguyễn Ngọc Ba làm Bí thư, cơ quan Tỉnh ủy đóng tại thị xã Mỹ Tho. Ngày 16-8-1929, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba đến Gò Công kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Côn vào An Nam Cộng sản Đảng cùng với các đồng chí khác và thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Gò Công tại xã Vĩnh Hựu, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư. Sau đó, các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng lần lượt ra đời.
Ngoài hệ thống tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, ở Mỹ Tho còn có tổ chức cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu tháng 12-1929, đồng chí Ngô Gia Tự, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng đến xã Vĩnh Kim (quận Châu Thành) xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Mỹ Tho tại xã Vĩnh Kim, rồi phát triển ra nhiều xã ở quận Châu Thành.
Trước tình hình cơ sở đảng phát triển mạnh, Ban Tổng ủy Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập để có thống nhất lãnh đạo. Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị họp từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 và quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10-1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương).
Vào giữa tháng 4-1930, Ban lâm thời cấp ủy Nam kỳ phân công đồng chí Nguyễn Thiệu về phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Cuối tháng 4-1930, Đảng bộ lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Nguyễn Thiệu làm Bí thư. Tháng 6-1930, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho trở thành chính thức với tên gọi là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công, phong trào cách mạng ở 2 tỉnh trong giai đoạn 1930-1945 diễn ra liên tục. Nổi bật nhất là ngày 23-11-1940, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra khắp tỉnh Mỹ Tho.
Đình Long Hưng là nơi lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được treo trên ngọn cây bàng; trước cổng đình cũng lần đầu tiên xuất hiện Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc; chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho lần đầu tiên ra đời và thực hiện thiết chế nền dân chủ cộng hòa; đình cũng là nơi Tòa án Nhân dân cách mạng cấp tỉnh thành lập lần đầu tiên của cả nước.
Ngày 18-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho thắng lợi và ngày 22-8-1945, cuộc khởi nghĩa ở Gò Công dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gò Công thành công.
Liền sau đó, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công lãnh đạo nhân dân và các lực lượng cách mạng tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược lần thứ hai và giành thắng lợi vào năm 1954.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công, TP. Mỹ Tho dưới sự lãnh đạo của Đảng đã liên tục tiến công, từ đấu tranh chính trị tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp tiến công và nổi dậy, đã giải phóng hoàn toàn quê hương ngày 30-4-1975.
Từ đó đến nay, đặc biệt là gần 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ Tiền Giang đã lãnh đạo xây dựng quê hương Tiền Giang đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đạt được kết quả to lớn trên là do Đảng bộ Tiền Giang nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại, gắn phong trào cách mạng ở địa phương với phong trào cách mạng cả nước. Trên con đường phát triển của cách mạng, Đảng bộ Tiền Giang không ngừng đề ra những quyết sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu lịch sử, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa tỉnh Tiền Giang tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn.
HỒNG LÊ (tổng hợp)