Sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp Việt Nam

'Chúng tôi không muốn và không thể vắng mặt trong các dự án, công trình mang dấu ấn Việt Nam trong kỷ nguyên mới'.

Nhiều doanh nhân các thế hệ đã chia sẻ điều này, khi trăn trở gửi tới Chính phủ các sáng kiến, đề xuất, giải pháp và cả những kế hoạch cụ thể, ngay sau khi Chính phủ gửi đi thông điệp “các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cần chủ động tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia”.

Các doanh nghiệp lớn đang được kỳ vọng sẽ tiên phong thực hiện những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ doanh nhân tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Đoàn Bắc

Các doanh nghiệp lớn đang được kỳ vọng sẽ tiên phong thực hiện những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ doanh nhân tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Đoàn Bắc

Rất nhiều người trong số họ, 20 năm trước đã đầy cảm xúc đón nhận Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sau một chặng đường dài nỗ lực vượt qua những khúc khuỷu, chông gai của những năm đầu Đổi mới, vượt qua thử thách của thương trường, của cạnh tranh còn nhiều lạ lẫm, để góp công, góp của làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại của Việt Nam. Thời điểm đó, Việt Nam mới có chưa đầy 20.000 doanh nghiệp.

Hiện tại, Việt Nam có 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động.

Khi nhìn vào chặng đường hình thành, phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, giới nghiên cứu kinh tế vĩ mô từng nhận định, họ đã tồn tại, thậm chí phát triển trong những thời kỳ không có bất cứ điều kiện thuận lợi nào cho doanh nghiệp..., thì nay có thể làm nhiều hơn, lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Vấn đề là, dù bước chân của Thaco, VinFast trong ngành công nghiệp ô tô hay cách Sun Group đang đầu tư sân bay, Đèo Cả trở vua hầm đường bộ... đã khẳng định khu vực tư nhân Việt Nam có thể làm được nhiều việc, nhưng lại chưa đủ để nhìn thấy các bước nhảy vũ bão mà các doanh nhân kỳ vọng, như cách Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm trong thế kỷ trước.

Thực tế, thực lực của doanh nghiệp Việt Nam, dù đã cải thiện rất lớn sau 40 năm Đổi mới, nhưng vẫn còn non trẻ so với thế giới, cũng như so với những yêu cầu của bài toán đưa Việt Nam vào nhóm nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các doanh nghiệp quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng, có năng lực dẫn dắt các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng còn ít. Thậm chí, cho tới thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, thuộc nhóm có độ mở cao nhất thế giới, thì câu chuyện về tư duy kinh doanh thời vụ, tính liên kết, hợp tác kém và khả năng hạn chế trong tận dụng cơ hội từ hội nhập vẫn có trong các báo cáo đánh giá tình hình doanh nghiệp.

Trong khi đó, môi trường kinh doanh, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp dù liên tục có trong các nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ, chính quyền các địa phương và đã được cải thiện rất lớn, nhưng vẫn còn khoảng cách không nhỏ so với các nền kinh tế phát triển, cũng như với chính nhu cầu phát triển của cộng đồng kinh doanh...

Các nhà lãnh đạo của đất nước đã nhìn nhận rõ điều này.

Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã thảo luận các quyết sách liên quan đến xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… Nhưng trên hết, những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới tiếp tục được khẳng định là đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Đặc biệt, những quyết tâm chính trị cao nhất đang được gửi đi để hai thập kỷ tới, tính từ năm 2021 đến năm 2045, chính là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Không gian phát triển vô hạn cho cả nền kinh tế và doanh nghiệp Việt đang mở ra. Nhưng thể chế, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế, gồm cả tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân lớn đi cùng, tham gia giải các bài toán lớn của quốc gia chính là chìa khóa.

Cộng đồng kinh doanh đang ở tâm thế sẵn sàng!

Bảo Duy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/su-menh-tien-phong-cua-doanh-nghiep-viet-nam-d227104.html
Zalo