Sứ mệnh nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ - Mệnh lệnh từ trái tim những người lính Cụ Hồ

Thực hiện sứ mệnh nhân đạo, từ ngày 13 - 22/2/2023, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất ở nước ngoài.

Với vai trò chỉ huy lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Trưởng đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng hơn 70 quân nhân vượt qua nhiều khó khăn để trợ giúp người dân sở tại sau thảm họa động đất.

Trở về sau khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ tại nước bạn, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về khoảng thời gian tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế của lực lượng Quân đội Việt Nam.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh (tư liệu): Hải Linh - PV TTXVN từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh (tư liệu): Hải Linh - PV TTXVN từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ

Thưa ông, ông có thể chia sẻ về quá trình lực lượng Quân đội của Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ?

Chúng ta tới nước bạn khi thảm họa đã xảy ra quá 72 giờ vàng - giờ quy định của quốc tế để cứu nạn. Do đó, nhiệm vụ của lực lượng Quân đội Việt Nam không chỉ là tìm, cứu những người bị mắc kẹt mà còn phải tìm để đưa các nạn nhân không may thiệt mạng ra khỏi đống đổ nát. Đoàn Việt Nam được tổ chức bởi ba lực lượng, đó là Đội Công binh, Đội Quân y và Đội Chó nghiệp vụ.

Đội Chó nghiệp vụ giúp tìm kiếm, đánh hơi, phát hiện nạn nhân. Sau khi chó nghiệp vụ đánh hơi được vị trí, Đội Công binh sử dụng thiết bị chuyên dụng dò tìm (camera thân nhiệt, hệ thống radar xuyên tường...) để tìm chính xác vị trí của nạn nhân.

Lực lượng Quân y của Việt Nam luôn trong tâm thế sẵn sàng bảo đảm y tế, thiết lập bệnh viện để thu dung, điều trị cho các đoàn có thành viên bị thương khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các bác sĩ Quân y của ta cũng điều trị cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Các lực lượng quốc tế đánh giá cao về công tác tổ chức của Đoàn Quân đội Việt Nam, nhất là khi chúng ta tìm kiếm, bàn giao được vị trí chính xác của các nạn nhân.

Chúng tôi đã được chứng kiến những giọt nước mắt của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là các cụ già, các ông bố, bà mẹ... Họ khóc và cảm ơn Đoàn Quân đội Việt Nam. Những ánh mắt là sự vững vàng tâm lý để vượt qua thách thức. Những người dân đó gần như không còn gì, chúng tôi thậm chí cũng không đủ ăn nhưng vẫn chia sẻ một phần lương thực, thực phẩm cho họ.

Người dân sở tại khi thấy Đoàn Việt Nam vào buổi trưa không ngủ, vẫn miệt mài tìm kiếm, tranh thủ máy móc để dò tìm - trong khi các lực lượng cứu hộ của bạn đã nghỉ, họ đã đến và đưa cho chúng tôi những chiếc bánh mì, cốc nước... vốn khan hiếm của mình. Những tình cảm sâu nặng ấy càng khiến chúng tôi xác định đây là mệnh lệnh từ trái tim. Tôi nói với nhân dân và lãnh đạo địa phương: Quân đội của chúng tôi, lực lượng chúng tôi sang đây coi việc tìm kiếm các nạn nhân như việc tìm kiếm người thân của chúng tôi, cũng như hết sức chia sẻ với sự mất mát, đau thương của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong những ngày tham gia cứu hộ, cứu nạn, bộ đội ta không những phải chống chịu với thời tiết giá lạnh mà còn là tình trạng đồ ăn, thức uống khan hiếm. Những người lính Cụ Hồ trong Đoàn đã vượt qua khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Do một số lý do khách quan, phương tiện, quân trang, hậu cần bảo đảm của chúng ta được vận chuyển sang không đủ. Hai hôm đầu tiên chúng tôi “màn trời, chiếu bê tông”, những lúc nghỉ ngơi, chúng tôi ngồi quây quần quanh bếp lửa cho đỡ lạnh. Sau khi đến nơi, khoảng 3 giờ 30 sáng, chúng tôi nhận được chuyến hàng đầu tiên nhưng không đủ. Anh em gần như thức trắng đêm và sáng hôm sau, 8 giờ bắt đầu vào nhận nhiệm vụ luôn. Tôi đùa vui với anh em: “Chưa có bao giờ đẹp như đêm qua”, anh em đều cười. Chúng tôi có một cái xoong, nấu mì tôm chung vào đó và cùng múc ăn.

Tôi nghĩ dù những việc nhỏ nhưng đây chính là bản lĩnh và quyết tâm của người lính. Trong khó khăn, nếu người chỉ huy dao động, chắc chắn các thành viên trong đoàn không thể vững tâm làm nhiệm vụ. Chúng ta cũng hết sức thông cảm với phía Bạn trong điều kiện cơ sở vật chất bị tàn phá, chúng ta thiếu thốn một chút cũng không sao.

Trong quá trình tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, những hiểm nguy luôn thường trực khi lực lượng của ta phải làm việc trong điều kiện có những cơn dư chấn của động đất. Với vai trò là người chỉ huy, ông đã làm như thế nào để vừa chỉ đạo tìm kiếm, cứu hộ hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho lực lượng của ta?

Theo quy định quốc tế và quy định của Việt Nam, trước hết người tổ chức luôn phải bảo đảm an toàn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, để vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa bảo đảm an toàn, tất cả lực lượng tham gia cứu hộ đều phải có bản lĩnh, ý chí quyết tâm, sắt đá, hiểu rõ được vinh dự cao quý cũng như nhiệm vụ của mình.

Người chỉ huy phải nghiên cứu, đánh giá kỹ, kết luận đúng tình hình và quyết đoán trong thực hiện, không được ngại gian khổ. Chúng tôi ở tại sân vận động; làm việc trong điều kiện nguy hiểm khi vẫn có rung chấn độ lớn 6,2-6,4. Hiện trường hầu hết là những đống đổ nát, song nếu bộ đội ta và chó nghiệp vụ không vào, không thể soi, không thể tìm được vị trí của nạn nhân... Vì vậy, nếu chúng ta không có lập trường, tư tưởng vững vàng sẽ không thực hiện tốt nhiệm vụ được.

Kinh nghiệm ở đây không chỉ là xác định tinh thần, bản lĩnh chính trị vững vàng cho bộ đội, mà người chỉ huy phải quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm an toàn tối đa. Đấy là vấn đề cốt lõi trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tại hiện trường.

Hoàn thành một nhiệm vụ mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trực tiếp ở trong nước, Đoàn Quân đội Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thu được những kinh nghiệm như thế nào, thưa ông?

Thực tế, tại Việt Nam, chúng ta chưa gặp vấn đề lớn về động đất, nhưng chúng ta đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, kế hoạch để ứng phó với sự cố của động đất và sóng thần. Dù động đất của chúng ta nhỏ nhưng trong tương lai không thể khẳng định là không có. Tất cả những kịch bản đó hiện nay chúng ta đã có sự chuẩn bị ở cấp quốc gia. Việc tham gia cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhì Kỹ chính là thực tiễn để bổ sung vào lý luận, điều chỉnh lại giáo trình, giáo án huấn luyện cho sát thực tế, để nâng cao khả năng diễn tập và cơ động kịp thời; từ đó giúp chúng ta không bị động, bởi không chỉ có động đất mà có thể còn nhiều những tình huống an ninh phi truyền thống và nguy cơ tiềm ẩn khác trong tương lai, như sự cố về hóa chất, độc xạ, phóng xạ... Chúng ta phải có kế hoạch để chủ động phòng ngừa và ứng phó.

Trân trọng cảm ơn ông!.

Hiền Hạnh/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/su-menh-nhan-dao-tai-tho-nhi-ky-menh-lenh-tu-trai-tim-nhung-nguoi-linh-cu-ho-20230227103836389.htm
Zalo