Sự lựa chọn từ thơ cảm tính đến thơ lý tính

Nổi tiếng từ hồi còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Nhân văn Moscow (Liên Xô cũ), Hoàng Xuân Tuyền (SN 1966, quê Nam Định) đã đoạt giải cuộc thi thơ ở Nga với bài thơ 'Bà mẹ Voronezh'. Rồi sau đó mấy năm, anh lại đoạt giải cao nhất cuộc thi thơ của Hội Văn nghệ Việt Nam toàn liên bang Nga.

Đáng chú ý, anh đã được "thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa viết bài giới thiệu tập thơ đầu tay. Về nước, sau một thời gian làm Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn, anh về làm giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia và in 2 tập thơ: "Bến thời gian" và "Tự do" ở NXB Hội Nhà văn.

Từ dòng thơ trữ tình lấy cảm xúc làm chính

Lần đầu tiên tôi gặp Hoàng Xuân Tuyền ở phòng làm việc của nhà thơ Trần Đăng Khoa ở Hội Nhà văn Việt Nam. Khoa giới thiệu: "Tay này cùng học với tôi một thời gian ở Nga. Thơ hắn độc đáo đấy, ông thử đọc mà xem, tôi nói không ngoa đâu!".

Tuyền kể chuyện vui cho tôi nghe, khi học cùng Khoa lớp dự bị tiếng Nga ở trong nước, có lần lớp phân công Khoa với Tuyền xuống khu chuồng trại cho lợn ăn, Tuyền tranh thủ đọc thơ của mình cho Khoa nghe, Khoa ngậm cười bảo: "Thôi ông tập trung vào học cho tốt tiếng Nga, đừng làm thơ nữa!", Tuyền cười hềnh hệch.

Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền.

Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền.

Thế mà sau này, khi Hoàng Xuân Tuyền in tập thơ "Bến thời gian" năm 2001, thì Trần Đăng Khoa lại khen ngợi và viết một bài giới thiệu rõ hay như sau: "Tôi nhớ có lần chuyện phiếm bên bàn trà, nhà thơ Phạm Tiến Duật nói vui rằng ông có cái mũi khác người (mà xem ra, cái mũi nhà thơ quả cũng có nét đặc biệt thật, nó khoằm như mỏ quạ). Bởi thế, khi làm thơ, viết văn, ông cứ phải dí cái mũi của mình xuống trang giấy, để rồi qua vết mũi ấy, bạn đọc nhận ra ông.

Hoàng Xuân Tuyền không có được cái mũi bẩm sinh rất đặc biệt của bậc đàn anh. Vậy thì biết lấy gì ra làm dấu ấn, làm đặc điểm để bạn đọc khả kính có thể nhận ra mình? Mà mỗi thi sĩ chỉ thực sự có giá trị khi anh ta đóng góp cho nền thơ một bản sắc riêng và chỉ riêng anh có. Ta hiểu vì sao có những thi sĩ đã thành danh, đã là những tác giả nổi tiếng, lại đập vỡ mình ra, rồi nhào nặn lại, tái tạo lại, để thành một con người khác hẳn, khác với chính mình, khác với mọi người. Trong cuộc tái tạo đớn đau này, có người thành tượng đài. Có người chỉ là những mảnh vụn vỡ nát. Kiếp thi sĩ khổ vậy!

Hoàng Xuân Tuyền làm thơ khi còn là một học sinh phổ thông ở làng Bò, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Anh thi vào Tổng hợp Văn, đỗ điểm cao, được tuyển chọn đi học nước ngoài. Khi còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Nhân văn Moscow, Hoàng Xuân Tuyền đã đoạt giải cuộc thi thơ ở Nga với bài thơ "Bà mẹ Voronezh". Rồi sau đó mấy năm, anh lại đoạt giải cao nhất cuộc thi thơ của Hội Văn nghệ Việt Nam toàn liên bang Nga.

Hoàng Xuân Tuyền cũng là tác giả của hàng loạt bài thơ viết về đời sống cộng đồng người Việt đang học tập, lao động ở xứ người. Rất nhiều người Việt ở Nga thuộc thơ anh, truyền khẩu thơ anh, mà cứ tưởng đấy là những bài thơ dân gian hiện đại. Không ai nghĩ tác giả những bài thơ đầy bụi bặm lam lũ ấy là một anh chàng thư sinh, trông phong phanh như chính cái bóng của mình…".

Có thể nói, Hoàng Xuân Tuyền bước chân vào làng thơ với trường mỹ cảm trữ tình lãng mạn trong tập thơ đầu tiên "Bến thời gian". Nhiều bài thơ anh viết trong thời gian theo học ở nước Nga với nỗi nhớ quê hương và cảm xúc trước cảnh sắc thiên nhiên của một người xa xứ. Thơ anh ở tập này mang phong vị phương Đông, lấy tình làm trọng và mượn cảnh để nói lên nỗi niềm của người thơ: "Mênh mông cát trắng với lau/ Ven trời mây trắng lên màu ngẩn ngơ/ Bạc đầu sóng ngả vào bờ/ Mưa chiều về xóa cho mờ cảnh sông/ Một miền trắng buốt như không/ Bến thời gian, dải cầu vồng bắc qua" (Bến thời gian).

Đến dòng thơ nghiêng về phía lý trí

Khi Trần Đăng Khoa từ Nga về nước, Hoàng Xuân Tuyền có gửi anh ít tiền về để in tập thơ "Bến thời gian", nhưng Khoa lẳng lặng không in vì cho rằng "Thời ấy, thơ với thẩn đang nhốn nháo, in làm gì cho phí tiền!", rồi mang số tiền ấy đến nhà Tuyền đưa cho cha của anh.

Sau này khi đã về nước, Hoàng Xuân Tuyền lại đoạt giải nhì cuộc thi dịch thơ của Tạp chí Văn học nước ngoài - Hội Nhà văn Việt Nam và vẫn âm thầm sáng tạo thi ca. Tập thơ "Bến thời gian" là kết quả của hàng chục năm trời lao động của anh. Đối với chính Hoàng Xuân Tuyền, tập thơ này là một cuộc lột xác. Chí ít, nó cũng là những bài thơ hoàn toàn khác so với những gì anh đã viết trước đây.

Có một điều chắc chắn, từ những lời nhận xét chân tình của Trần Đăng Khoa về thơ của mình, giai đoạn sau đó, Hoàng Xuân Tuyền có bước chuyển rất quan trọng về mặt thi pháp. Thơ của anh bớt đi vẻ trữ tình lãng mạn ước lệ của những câu thơ cũ để hướng đến đời sống thế sự của xã hội con người hôm nay với sự tham dự của lý trí. Sau tập thơ đầu, cho đến tập thơ thứ hai, mang cái tựa đề khá ấn tượng "Tự do", người đọc bỗng nhận ra một Hoàng Xuân Tuyền khá sâu sắc và đầy lý tính để thay thế cho cảm tính trong các bài thơ trước đây.

Cũng dòng lục bát như "Bến thời gian" nhưng "Lục bát tự do" của giai đoạn sau đã nhìn trực tiếp vào sự lỗi điệu, nhàm chán, không có tư tưởng của nhiều bài thơ "Lục bát đương thời" theo kiểu: "Tự do nào! Tự do nào!/ Tự do ta dắt ta vào miền thơ/ Con đường lục bát cam go/ Bao con chữ mất tự do thành vè/ Tứ mờ mịt, lời lê thê/ Nửa phố thị, nửa thôn quê - nửa mùa/ Tưởng rằng trí tuệ có thừa/ Kỳ tình lú lẫn ngu ngơ đứng đầu…".

Với những bài thơ kiểu trên, ta thấy Hoàng Xuân Tuyền đã dụng công dựng lên những tứ thơ "Ý tại ngôn ngoại" khá bất ngờ, khiến độc giả vừa thấy thú vị về cách dùng chữ rất mới của tác giả, vừa thấy dụng ý nghiêng về phía khắc họa tính tư tưởng trong dạng thức của thơ trữ tình thế sự mà tác giả sử dụng khá nhuần nhuyễn.

Các bài thơ viết theo lối tự do, với những câu thơ ngắn - dài không đều, tạo cảm giác như dòng suy nghĩ tự nhiên, không bị trói buộc với cách sắp xếp những câu chữ theo kiểu thơ-hình-họa với giọng thơ có tính triết luận, thể hiện những suy tư sâu lắng, đồng thời gợi đến những triết lý nhân sinh về sự sống, cái chết, và giá trị cội nguồn.

Có cảm tưởng như, thơ Hoàng Xuân Tuyền mỗi ngày, mỗi tiến đến một chân giá trị trong mỗi bài thơ để soi chiếu vào sự chuyển động của thế giới này, của cõi sống này, của cảnh vật thiên nhiên trên trái đất này đang bị tổn thương như một lời cảnh báo về tiếng hót của chim họa mi dưới đây: ''Thức uống cạn từ năm ngoái/ thức ăn hết từ năm kia/ những tia nắng ú tim/ cửa lồng mở toang và nan lồng đã mục/ in bóng xuống thềm/ Trên những vuông đá nhẵn bóng/ dáng họa mi vươn cao/ giữ vẹn nguyên tiếng hót/ Tự do còn quên đó/ bóng chim không bay đi/ dù hình chim xa khuất/ mang đói khát thiên di" (Tiếng hót bị bỏ quên).

Những liên tưởng sắc nhọn, những suy tưởng quán thấu với cái nhìn sâu sắc vào bản chất của hiện thực thời đại, khi thiên nhiên và bầu sinh quyển bị con người tàn phá không thương tiếc, và sự bất an trong đời sống xã hội đã trở thành hình tượng thơ luôn trở đi, trở lại trong thơ Hoàng Xuân Tuyền giai đoạn sau này: "Núi rỗng ruột và sông trơ thổ địa/ makeno/ em làm câu thơ khoe nốt ruồi/ tuổi trẻ của em/ may mắn cho em/ Makeem/ Rừng trơ xương sườn và biển sùi bọt mép/ makeno/ ông làm câu thơ ru hạ cánh an toàn/ tuổi già của ông/ may mắn cho ông./ Makeon/ Tháng năm ta trước mặt/ nằm gọn từ lâu trong hiệu cầm đồ/ nợ đã kịch nóc mây? Maketa hay Makeno? (Makeai). Trong bài thơ này, tác giả sử dụng một kiểu chơi chữ : Makeai-mặc kệ ai; Maketa - mặc kệ ta ; Makeem - mặc kệ em ; Makeon - mặc kệ ông).

Những bài thơ tự do viết khá chặt chẽ, kiệm lời, lấy ý tưởng thơ làm căn cốt, lấy tứ thơ làm trọng đã làm nên một phong cách thơ độc đáo của Hoàng Xuân Tuyền. Trong bài thơ tự đối thoại với mình "Khóc thật cho một kiếp Rối", anh nhận ra một sự thật cay đắng trên thế gian nhiều vui buồn lầm lạc và lắm khổ đau này: "Sinh ra để làm người/ khó nhỉ/ thì tự hóa sang kiếp giun/ chả ai biết đầu đuôi đằng nào/ trơn tuột sống/ Bị xéo mãi/ xéo mãi/ chả thể nào quằn nổi/ thì đấy: hóa sang kiếp rối/ nào ai giật dây thì giật đi/ Rối ơi/ rối đã chán dây hay dây chán rối/ nay hóa sang kiếp gì/ Ơi rối/ Nước mắt này là thật/ rơi bây giờ mà khóc tự khi xưa/ thương xót chia lìa/ ơi người/ ơi giun/ ơi rối/ Nay hóa sang kiếp gì?".

Tôi lại có cảm tưởng, với lưỡi dao sắc nhọn của ngôn từ trong thơ, Hoàng Xuân Tuyền đang phẫu thuật những "khối u" của đời sống thế gian này, để cảnh báo một hiện thực nhức nhối, để đưa ra một câu hỏi cần được giải đáp về lẽ sống nhân sinh nhằm nâng cao tính- công- dân- thi- sĩ của một người viết lấy lương tri làm trọng. Trong dòng thơ cách tân đương đại, anh là một gương mặt thơ có thể đã tạo nên sự khác biệt, khi mỗi bài thơ thường lấy ý tưởng thơ làm xương cốt chính để lý tính vượt lên cảm tính trong ngôn ngữ thơ mang phong vị của riêng mình.

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/su-lua-chon-tu-tho-cam-tinh-den-tho-ly-tinh-i755414/
Zalo