'Sự lựa chọn cuối cùng' của nhà nông

Nhập khẩu gạo nước ta chạm mốc kỷ lục 1 tỷ USD, thông tin này khiến nhiều người bất ngờ khi Việt Nam vốn được biết đến là một 'cường quốc' xuất khẩu gạo. Đây là tín hiệu buồn hay vui?

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, thu về 4,37 tỷ USD, tăng 9,2% về số lượng, tăng 23,5% giá trị và bằng 93,6% so cả năm 2023 (4,67 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, nước ta cũng đã chi 996 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng 57,3%, vượt xa kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2023 (860 triệu USD).

Nhiều năm qua, lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng vừa là mặt hàng chiến lược của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên. Trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, gạo cũng là mặt hàng có kim ngạch đứng thứ 2 sau rau quả. Đó cũng là vị trí của xuất khẩu gạo trong nhiều năm trở lại đây.

Thế nhưng, quá trình đô thị hóa và xu hướng tăng cường phát triển công nghiệp, dịch vụ đã khiến diện tích đất trồng lúa ngày một thu hẹp. Chưa nói tới những loại cây trồng có ưu thế vượt trội, chỉ với những loại cây trồng có giá trị kinh tế trung bình cũng đã cao hơn khá nhiều so với trồng lúa. Vì vậy, trên diện tích trồng lúa, nếu có thể nuôi hay trồng loại khác, nhà nông không ngần ngại chuyển đổi. Bởi lẽ, dù được hỗ trợ nhiều nhưng trồng lúa vẫn là một trong những loại cây trồng mang lại lợi nhuận thấp nhất với người nông dân.

Đó là trên phạm vi cả nước. Còn với địa phương có thổ nhưỡng có thể trồng cho ra những loại lúa chất lượng cao như Bình Phước, toàn tỉnh có chưa tới 10 ngàn héc ta đất trồng lúa. Đây là diện tích rất nhỏ so với các loại cây trồng chủ lực khác của tỉnh với hàng chục, hàng trăm ngàn héc ta. Đồng thời, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn Bình Phước cũng là những khu vực khó phát triển được các loại cây trồng khác.

Tương tự như cây lúa là cây điều. Hiện nay, diện tích đất trồng điều của Bình Phước khoảng 150 ngàn héc ta, là một trong 2 loại cây trồng phổ biến nhất trong tỉnh. Bình Phước cũng là địa bàn có thổ nhưỡng trồng ra hạt điều chất lượng số 1 thế giới. Thế nhưng, trồng điều cũng không phải là ưu tiên của nông dân Bình Phước. Phần lớn diện tích đất trồng điều là khu vực không thuận lợi trồng loại cây khác, hoặc nhà nông chưa có đủ điều kiện để chuyển đổi. Đơn giản là bởi, cũng như cây lúa, hiệu quả kinh tế của cây điều thấp hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác.

Trồng lúa, trồng điều đều vốn là cây xóa đói giảm nghèo. Song dường như trồng lúa, trồng điều đang là “sự lựa chọn cuối cùng” của nhà nông. Thú vị ở chỗ, “sự lựa chọn cuối cùng” ấy lại đang có vị trí vô cùng quan trọng trong bức tranh nông nghiệp, cụ thể là nông - lâm - thủy sản của nước ta, khi sau rau quả, lúa gạo, xếp thứ 3 là xuất khẩu ngành điều, với kim ngạch đạt hơn 3,6 tỷ USD năm 2023.

Cũng như cây lúa tạo nên danh tiếng “cường quốc xuất khẩu gạo”, cây điều đã khiến Bình Phước, Việt Nam trở thành “vựa điều của thế giới”. Và gạo có năm xếp thứ nhất, có năm xếp thứ hai, nhưng điều, nhiều năm qua Việt Nam luôn xếp số 1 thế giới…

Để giữ được vị trí trong ngành nông nghiệp của cả nước, rộng hơn là vị trí đứng đầu thế giới, có vai trò quan trọng đối với giá cả toàn cầu trong bối cảnh diện tích đất ngày một thu hẹp, nhà nông ngày một giảm ưu tiên, hẳn nhiên lời giải phải là nhập khẩu nguyên liệu, nhập khẩu để chế biến… Vì thế, chạm mốc nhập khẩu kỷ lục mới đối với lúa gạo, có lẽ là điều bình thường và dễ hiểu, như ngành điều cũng từng nhiều lần như vậy.

Nhập khẩu gạo về để sản xuất, chăn nuôi trong nước, còn nhập khẩu hạt điều thô về để chế biến, xuất khẩu ra nước ngoài. Vì thế, lựa chọn giải pháp nhập khẩu của doanh nghiệp, hẳn không thể quên “sự lựa chọn cuối cùng” của nhà nông. Bởi nếu nhà nông không làm ra nông sản chất lượng, thương hiệu cho doanh nghiệp cũng không còn.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163434/su-lua-chon-cuoi-cung-cua-nha-nong
Zalo