Sự kiện livestream của Samsung bị cảnh báo dùng phần mềm lậu, doanh nghiệp Việt lên tiếng xin lỗi

Sự cố hiển thị cảnh báo phần mềm Adobe lậu trên màn hình livestream sự kiện Unpacked đã ảnh hướng lớn đến thương hiệu của Samsung cũng như Zoom Media.

Tối 10/7, Samsung tổ chức sự kiện Unpacked 2024 tại Paris để giới thiệu hàng loạt sản phẩm và giải pháp mới của công ty, trong đó đặc biệt nổi bật là bộ đôi điện thoại gập Galaxy Z Fold 6 và Galaxy Z Flip 6 và nhẫn thông minh Galaxy Ring.

Sự kiện này cũng đã được livestream trực tiếp tới hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sự kiện không có gì đáng nói nếu như trong phiên livestream trực tiếp ở Việt Nam xuất hiện cửa sổ cảnh báo trên màn hình rằng máy livestream đang dùng phần mềm Adobe không có bản quyền và sẽ bị khóa lại.

 Màn hình sự kiện hiển thị phát hiện phần mềm có bản quyền

Màn hình sự kiện hiển thị phát hiện phần mềm có bản quyền

Được biết, Samsung Việt Nam đã thuê Công ty Zoom Media thực hiện việc tiếp tín hiệu livestream và chiếc máy tính dùng cho việc này của Zoom Media đã cài phần mềm Adobe bẻ khóa. Việc này đã ảnh hướng lớn đến thương hiệu của Samsung tại Việt Nam cũng như công ty Zoom Media.

Ngay trong đêm 10/7 (rạng sáng 11/7), công ty Zoom Media đã đăng bài xin lỗi trên trang Facebook của doanh nghiệp. Công ty này cho biết đã sử dụng 2 máy tính khác nhau để tiếp tín hiệu livestream và một trong 2 máy tính này sử dụng phần mềm Adobe Encore không có bản quyền.

Zoom Media khẳng định đây là lỗi kỹ thuật không mong muốn của công ty, hoàn toàn không liên quan gì đến nhãn hàng (Samsung). Zoom Media đã gửi lời xin lỗi đến những người theo dõi và đến nhãn hàng, nói rằng "sự việc hôm nay là bài học đáng nhớ cho tương lai".

 Nội dung xin lỗi của Zoom Media

Nội dung xin lỗi của Zoom Media

Golden Communication, công ty truyền thông cho sự kiện Galaxy Unpacked tại Việt Nam (công ty phụ trách việc mời và tiếp đón báo chí dự sự kiện livestream tại TP.HCM) cũng đã có thư gửi các phóng viên, trong đó khẳng định sự cố là do công ty Zoom Media, không phải từ phía Samsung.

Mặc dù không phải là đơn vị trực tiếp gây ra sự cố này, nhưng sự im lặng từ phía Samsung cũng khiến nhiều người không hài lòng. Trên một số diễn đàn trên Facebook, người dùng nói rằng họ muốn Samsung Việt Nam với trách nhiệm là đơn vị thuê agency phải tiếng xin lỗi về sự cố này.

Anh Phạm Hồng Phước, một chuyên gia công nghệ, cho rằng qua sự việc này tất cả các bên sẽ rút ra được kinh nghiệm. "Học phí không phải trả bằng tiền mà bằng rất nhiều tiền" và các bên phải lường trước được mọi tình huống, mọi kịch bản có thể xảy ra.

Hiện tại, Samsung Việt Nam vẫn chưa có thông báo hoặc lên tiếng chính thức về sự cố này.

Adobe tăng cường quét bản quyền

Từ cuối năm 2024, Công ty Adobe đã thực hiện chiến dịch "mạnh tay" rà quét phần mềm lậu. Hãng đã tìm mọi cách để rà quét triệt để phần mềm của hãng bị bẻ khóa hoặc dùng lậu để ngăn chặn. Đồng thời, hãng cũng gửi thông báo giảm giá tới 25% cho phần mềm có bản quyền. Adobe cảnh báo việc sử dụng phần mềm không bản quyền có thể chứa mã độc, gây thiệt hại cho dữ liệu và bí mật cá nhân.

Giá thuê toàn bộ các phần mềm của Adobe là gần 30 USD/tháng (khoảng hơn 750.000 đồng) nếu người dùng chọn cách thanh toán theo năm. Riêng phần mềm chỉnh sửa ảnh thông dụng Adobe Photoshop có giá khoảng 23 USD/tháng.

Hoài Nam

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/su-kien-livestream-cua-samsung-bi-canh-bao-dung-phan-mem-lau-doanh-nghiep-viet-len-tieng-xin-loi-post176391.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo