Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 16 và hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng; Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới mắc kẹt trong tăng trưởng chậm, nợ công cao; Giá vàng xác lập 'đỉnh' mới... là những sự kiện kinh tế thế giới nối bật tuần qua.

Ngày 23/10/2024, tại Hội nghị cấp cao BRICS diễn ra ở Kazan, Nga, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chung, trong đó đưa ra những đánh giá tổng thể về tình hình thế giới cũng như các mục tiêu dài hạn của nhóm. Ảnh: ANI/TTXVN

Ngày 23/10/2024, tại Hội nghị cấp cao BRICS diễn ra ở Kazan, Nga, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chung, trong đó đưa ra những đánh giá tổng thể về tình hình thế giới cũng như các mục tiêu dài hạn của nhóm. Ảnh: ANI/TTXVN

1. Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 16 và hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng diễn ra tại thành phố Kazan, Nga từ 22-24/10. Hội nghị gửi đi thông điệp về việc củng cố các mối quan hệ trong khối, đồng thời mở ra cơ hội cho các nước Nam bán cầu đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới.

2. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới mắc kẹt trong tăng trưởng chậm, nợ công cao tại Hội nghị thường niên của thể chế tài chính này và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington (Mỹ). IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 chỉ ở mức 3,2% và nợ công sẽ lên tới 100.000 tỷ USD.

3. Giá vàng xác lập “đỉnh” mới 2.758,37 USD/ounce trong phiên 23/10 do căng thẳng tại Trung Đông gia tăng và lo ngại về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm gia tăng nhu cầu tài sản an toàn. Tính từ đầu năm tới nay giá vàng đã tăng hơn 32% và có khả năng vượt ngưỡng 2.800 USD/ounce trong ba tháng tới.

4. Kênh đào Panama đạt doanh thu kỷ lục 4,986 tỷ USD trong năm tài chính 2023-2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), bất chấp lượng tàu vận chuyển giảm mạnh do hạn hán kéo dài. Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama cho biết khoảng 50% doanh thu được sử dụng cho hoạt động và bảo trì, phần còn lại được chuyển vào ngân sách quốc gia Panama.

Kênh đào Panama ở Pedro Miguel, Panama City, Panama. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Kênh đào Panama ở Pedro Miguel, Panama City, Panama. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

5. Ấn Độ dỡ bỏ giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn đối với gạo trắng không phải loại basmati do kho dự trữ gạo quốc gia dồi dào và giá bán lẻ được kiểm soát. Việc bỏ cơ chế giá sàn này đồng nghĩa với việc Ấn Độ tự do hóa hoàn toàn hoạt động thương mại gạo.

6. Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục 21% nhằm kìm hãm đà tăng của lạm phát và báo hiệu khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 12 tới. Đây là mức lãi suất cao nhất ở Nga kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

7. Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine dựa trên lợi nhuận thu được từ số tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây. Số tiền trên sẽ được giải ngân thông qua loạt khoản vay song phương, bắt đầu sớm nhất là vào ngày 1/12 và tiếp tục cho đến hết năm 2027 theo từng đợt, dựa trên nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine.

8. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Pháp từ "ổn định" sang "tiêu cực" do lo ngại về tình hình tài chính của quốc gia này. Moody's nêu rõ sự thay đổi trên phản ánh rủi ro ngày càng tăng rằng Chính phủ Pháp khó có thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài hơn dự kiến và khả năng trả nợ xấu đi.

9. Chủ tàu hàng đâm sập cầu Baltimore phải bồi thường gần 102 triệu USD. Grace Ocean Private Limited và Synergy Marine Private Limited, hai công ty làm chủ và điều hành tàu chở container Dali, từng đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland (Mỹ) vào tháng 3/2024, đã đồng ý trả số tiền trên để dàn xếp đơn kiện dân sự do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra tháng trước.

Hoàng Hà/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/su-kien-kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua-20241027080855784.htm
Zalo