Vì sao chiếc máy bay nhanh nhất thế giới của Mỹ bị 'loại biên' sớm

Máy bay Lockheed SR-71 Blackbird, biệt danh 'Hắc điểu' SR-71 đạt tốc độ siêu thanh hơn Mach 3.2 của Mỹ, từng là máy bay có người lái nhanh nhất thế giới. Nó đã sớm bị 'nghỉ hưu' vào cuối Chiến tranh Lạnh.

Ban đầu, SR-71 bị loại khỏi biên chế vào năm 1990, trước cả khi Liên Xô sụp đổ. Dù vậy, không quân Mỹ đã tái kích hoạt ba chiếc từ năm 1995 đến năm 1998. NASA tiếp tục sử dụng chúng cho các nhiệm vụ nghiên cứu đến năm 1999.

'Hắc điểu' SR-71. (Nguồn: Air and Space)

'Hắc điểu' SR-71. (Nguồn: Air and Space)

Sau đó, SR-71 bị ngừng hoạt động mà không có một sự thay thế thực sự. Vậy điều gì đã khiến một huyền thoại như Blackbird phải lùi vào quá khứ?

Nguyên nhân chính là chi phí vận hành quá cao. Mặc dù SR-71 đạt hiệu suất vượt trội, nhưng việc duy trì nó tiêu tốn rất nhiều ngân sách.

Thêm vào đó, không quân Mỹ lo ngại về khả năng sống sót của Blackbird trước các hệ thống phòng không hiện đại của Liên Xô (sau này là Nga), như tên lửa SA-10 Grumble và tiêm kích MiG-31 Foxhound.

Các nỗ lực hồi sinh SR-71 trong thập niên 1990 đã bị không quân Mỹ phản đối mạnh mẽ vì những lo ngại này.

Theo tờ Los Angeles Times năm 1989, quyết định loại bỏ SR-71 dựa trên nhiều yếu tố. Tướng Larry D. Welch, Tham mưu trưởng không quân Mỹ cho biết, khả năng sống sót của vệ tinh trinh sát đã tăng lên, trong khi SR-71 trở nên dễ bị "tổn thương" trước tên lửa đất đối không SAM-5 của Liên Xô.

Thêm vào đó, chi phí bảo trì quá cao của SR-71 đã khiến không quân Mỹ phải cắt giảm để dành ngân sách cho các dự án khác. Bộ trưởng Không quân thời Tổng thống Reagan, ông Edward C. Aldridge Jr. từng ước tính số tiền duy trì phi đội SR-71 có thể duy trì được hai phi đội tiêm kích chiến thuật.

Theo một số báo cáo, chi phí vận hành SR-71 lên tới 200.000 USD/giờ, phần lớn do đội bay nhỏ và thiết kế đặc biệt của nó. Trong số 32 chiếc được chế tạo, mỗi chiếc yêu cầu bảo dưỡng rất phức tạp và tiêu tốn nhiều tài nguyên.

Đặc biệt, nhiên liệu JP-7 mà SR-71 sử dụng có giá đến 18.000 USD/giờ (theo giá năm 1989). Loại nhiên liệu này rất khó cháy và chỉ có thể được đánh lửa bằng hệ thống hóa học đặc biệt, làm tăng thêm độ phức tạp và chi phí.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngân sách bị cắt giảm, các hệ thống trinh sát vệ tinh và công nghệ tiên tiến khác đã dần thay thế SR-71. Không còn lý do nào thuyết phục để duy trì một hệ thống quá tốn kém như Blackbird.

Trong suốt 24 năm phục vụ, SR-71 đã tích lũy khoảng 2.800 giờ bay. Vào chuyến bay cuối cùng ngày 6/3/1990, Trung tá Ed Yeilding và Trung tá Joseph Vida đã lập kỷ lục bay từ Los Angeles đến Washington DC chỉ trong 1 giờ 4 phút 20 giây, với tốc độ trung bình 3.418 km/h (2.124 dặm/h). Máy bay sau đó hạ cánh tại sân bay quốc tế Washington-Dulles và được chuyển giao cho Viện Smithsonian.

Và như thế, SR-71 - huyền thoại của tốc độ rời bỏ bầu trời và lui vào viện bảo tàng, chỉ còn lại như biểu tượng của một thời đại tốc độ không thể sánh kịp.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lockheed-sr-71-blackbird-bieu-tuong-toc-do-va-su-ket-thuc-trong-vien-bao-tang-169240919062245348.htm
Zalo