Sự im lặng gây bức xúc của Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh
Nhiều người nổi tiếng bị nêu tên vì quảng cáo sữa, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định hoặc nghi ngờ thổi phồng công dụng nhưng họ im lặng suốt những ngày qua.
Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) gửi văn bản đến Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Văn hóa cơ sở, đề nghị phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm. Cục yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến người nổi tiếng và báo cáo kết quả để tổng hợp.
Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh im lặng giữa ồn ào quảng cáo sữa
Gần đây, loạt người nổi tiếng bị công chúng "réo tên", chỉ trích vì nghi vấn quảng cáo sản phẩm giả hoặc thổi phồng công dụng.
Chẳng hạn, Cao Minh Đạt khi quảng cáo sữa non hỗ trợ mất ngủ, khẳng định: “Người mất ngủ kinh niên 10-20 năm, uống đủ loại thuốc không khỏi, chỉ cần dùng 2 ly mỗi ngày, sáng và tối, đảm bảo hết mất ngủ”. Đoàn Di Băng giới thiệu viên rau củ với nội dung: “Một viên tương đương 5 kg rau củ quả".
Đáng chú ý, sau vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam 8 đối tượng trong một đường dây sản xuất sữa giả có quy mô lớn, hàng loạt hình ảnh người nổi tiếng từng quảng cáo các loại sữa khác nhau được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Công chúng bày tỏ lo ngại và đặt ra nhiều nghi ngờ xung quanh những hình ảnh này.
BTV Quang Minh, Vân Hugo, Thanh Hương, Trung Ruồi... bị nhắc đến vì quảng cáo sữa HIUP – sản phẩm từng bị phạt do vi phạm quảng cáo vào tháng 3/2024.
MC Quyền Linh, nghệ sĩ Hồng Vân, Cát Tường... đồng loạt bị dân mạng gọi tên bởi họ cũng từng quảng bá nhiều thực phẩm chức năng trước đây, trong đó có sữa tiểu đường.
Kênh YouTube Tập đoàn Dược Quốc tế của Rance Pharma mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Huyền Lizzie, Thanh Hương tham gia quảng bá.
Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh đang được nhắc nhiều nhất vì xuất hiện trong video quảng cáo Cilonmum - sản phẩm nằm trong đường dây 573 nhãn hiệu sữa giả. Doãn Quốc Đam quảng cáo Cilonmum Colos IQ Grow 24h, nhấn mạnh: “Đây là dòng sữa hàng đầu, đạt chứng nhận FDA Mỹ”. MC Hoàng Linh nói hài lòng vì tìm được sữa tốt cho con.
Giữa ồn ào bủa vây, thông qua trang cá nhân, MC Quyền Linh khẳng định không liên quan đến các thương hiệu sữa giả, mong khán giả chờ đợi thông tin từ cơ quan chức năng. BTV Quang Minh đăng bài viết giải thích, đồng thời nhận trách nhiệm, nói lời xin lỗi khán giả vào tối 15/4.
Ngược lại, nhiều người nổi tiếng khác vẫn chọn cách im lặng, không đưa ra phản hồi. Trên trang cá nhân, Vân Hugo chỉ chia sẻ bài đăng thông báo mới của nhãn hàng HIUP như một động thái lên tiếng.
Sự im lặng hoàn toàn từ phía Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh tạo nên làn sóng tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Thậm chí, vài ngày qua, Doãn Quốc Đam vẫn cập nhật hình ảnh mới trên trang cá nhân. Không ít ý kiến bày tỏ bức xúc, cho rằng người nổi tiếng đang thể hiện sự thiếu trách nhiệm.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sự im lặng của nghệ sĩ khi vướng vào ồn ào quảng cáo không chỉ thiếu trách nhiệm, mà đôi khi còn là thái độ xem nhẹ công chúng và chính danh dự của mình. Trong thời đại mọi thông tin đều được lan truyền nhanh chóng, khi một vụ việc xảy ra, công chúng không chỉ chờ đợi lời xin lỗi, mà họ cần lời giải thích thẳng thắn, thái độ trung thực và cam kết sửa sai rõ ràng.
Im lặng không làm cho vấn đề biến mất. Trái lại, nó khiến công chúng cảm thấy bị bỏ rơi, bị coi thường. Nó làm tăng thêm nghi ngờ, sự phẫn nộ. Bởi trong mắt người hâm mộ, nghệ sĩ không chỉ là người biểu diễn, mà là người họ từng tin tưởng, yêu quý, xem như hình mẫu. Khi sự tin tưởng đó bị phản bội, họ không chỉ cần một lời trấn an mà cần thấy người nghệ sĩ ấy còn đủ dũng khí để đối diện và chịu trách nhiệm.

Hình ảnh quảng cáo của Doãn Quốc Đam được chia sẻ trên mạng những ngày qua.
Trách nhiệm của người nổi tiếng
“Tôi hiểu có những lúc nghệ sĩ im lặng vì sợ nói ra sẽ sai thêm, lo ngại ảnh hưởng đến hợp đồng hay vì được đội ngũ quản lý khuyên cứ chờ cho qua. Nhưng hãy nhớ, trong thời đại truyền thông mở, im lặng không còn là vàng, mà có thể là... gạch đá.
Nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng cần tỉnh táo. Khi xảy ra sự cố, đừng trốn tránh. Hãy nói thật, nếu mình sai thì nhận lỗi. Đó là cách duy nhất để giữ lại phần nào niềm tin. Còn nếu nghệ sĩ hoàn toàn không sai, sự lên tiếng kịp thời với bằng chứng rõ ràng, cũng là cách để bảo vệ danh dự một cách đường hoàng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Trước câu hỏi: “Trách nhiệm của nghệ sĩ như thế nào trong những lần quảng cáo sai, không đúng sự thật?”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra trách nhiệm của nghệ sĩ không đơn thuần là một lỗi cá nhân hay “tai nạn nghề nghiệp” để rồi xin lỗi qua loa là xong. Đó là trách nhiệm sâu sắc về đạo đức, pháp lý và đặc biệt với niềm tin công chúng đã trao gửi.
Bởi khi một nghệ sĩ nhận lời quảng cáo, họ không chỉ đang “đọc một kịch bản”, mà dùng chính danh tiếng, uy tín và hình ảnh cá nhân để bảo chứng cho sản phẩm. Khán giả mua hàng không phải chỉ vì sản phẩm ấy tốt hay không mà bởi họ tin vào nghệ sĩ đó. Tin rằng người ấy không thể nào giới thiệu một thứ độc hại, giả mạo, hoặc phóng đại công dụng.
Vậy nên, khi sản phẩm ấy vi phạm, chất lượng không đúng với lời giới thiệu, trách nhiệm không thể đổ hết cho doanh nghiệp hay biện minh “tôi chỉ là người được thuê”. Bởi nếu chỉ là người được thuê, tại sao khán giả lại phải đặt lòng tin vào nghệ sĩ. Tại sao nhãn hàng lại chọn nghệ sĩ, chứ không phải một người bình thường?.
Đó là bởi nghệ sĩ đại diện cho niềm tin. Và khi niềm tin bị lạm dụng, cái bị tổn hại không chỉ là ví tiền của người tiêu dùng mà là cảm xúc, sự kính trọng, mối dây liên kết giữa nghệ sĩ và công chúng. Một khi điều đó đứt gãy, sẽ không có lời xin lỗi nào đủ để hàn gắn lại như ban đầu.
Về đạo đức, nghệ sĩ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ sản phẩm, hiểu rõ mình đang nói gì và đặt câu hỏi về hậu quả nếu điều mình nói là sai. Không ai buộc nghệ sĩ phải thành chuyên gia y tế hay chuyên viên kiểm nghiệm, nhưng đừng nhận lời nếu bản thân còn nghi ngờ, hoặc chỉ vì hoa hồng cao mà gật đầu, ông Bùi Hoài Sơn chỉ ra.
Ông nói thêm: “Về pháp lý, nghệ sĩ không thể thoát khỏi trách nhiệm liên đới. Luật Quảng cáo hiện hành và càng về sau khi được sửa đổi sẽ không còn vùng ‘an toàn’ cho những ai lợi dụng hình ảnh cá nhân để tiếp tay cho hành vi gian dối thương mại. Đã là người có ảnh hưởng, không thể muốn giữ tiếng thơm nhưng lại thoái thác trách nhiệm khi sai phạm xảy ra. Cuối cùng, về trách nhiệm xã hội, tôi cho rằng, mỗi nghệ sĩ nên tự hỏi: Tôi đang truyền tải giá trị gì đến cộng đồng. Tôi đang giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, hay vô tình trở thành mắt xích cho một hệ sinh thái lừa dối?".
Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: "Một lời quảng cáo sai có thể chỉ là vài phút livestream, vài trăm triệu đồng thù lao. Nhưng hậu quả có thể là hàng nghìn người mua nhầm, bệnh tật, mất tiền, hoang mang, là khủng hoảng niềm tin. Nghệ sĩ từng được yêu thương vì tài năng. Nhưng nghệ sĩ sẽ chỉ được trân trọng thật sự khi họ biết sống có trách nhiệm với từng lời mình nói ra, từng sản phẩm mình giới thiệu và từng người đang tin vào họ. Đó mới là giá trị lâu bền của một người làm nghề trong thời đại mà mọi lời nói đều có sức lan tỏa và sức công phá khôn lường”.