Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là vấn đề cấp thiết

Sáng 19-12, tại TP Cần Thơ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn 'Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM'.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) Việt Nam, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại. Việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy định và thời gian cách ly sẽ sản xuất được nông sản an toàn phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Thuốc BVTV được xem là vật tư quan trọng, không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng; ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại và dập tắt các đợt bùng phát dịch hại cây trồng nhanh chóng và kịp thời. Góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 Các thiết bị bay (drone) đang đóng vai trò tiết giảm lượng lúa gieo sạ, phân bón

Các thiết bị bay (drone) đang đóng vai trò tiết giảm lượng lúa gieo sạ, phân bón

Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là một biện pháp quan trọng.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhất là vùng ĐBSCL. Theo đó, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, để phát huy các ưu điểm và hạn chế nhược điểm của thuốc BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết. Người dùng thuốc BVTV phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, “5 nguyên tắc vàng”, đảm bảo thời gian cách ly và sử dụng thuốc BVTV hài hòa.

Theo Cục BVTV, đến năm 2030 có trên 80% số xã trồng nông sản có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM; có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đang phát triển các loại cây trồng trên sẽ có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Ở cấp xã, có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.

Phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh; giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học...

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-an-toan-hieu-qua-la-van-de-cap-thiet-post773834.html
Zalo