Sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đúng mục đích và phạm vi cho phép
Ngày 19/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuệ Phương
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công đã trình bày Tờ trình của Sở Xây dựng trình UBND thành phố về Đề án về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội và dự thảo Đề án này.
Theo đó, dự thảo Đề án gồm 2 phần. Phần I: Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án, nêu lên thực trạng công tác quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố và căn cứ xây dựng Đề án. Phần II: Nội dung Đề án, bao gồm 6 mục, trong đó nêu nguyên tắc xây dựng Đề án: lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông; hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận; sử dụng đúng mục đích và phạm vi cho phép.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuệ Phương
Về nội dung Đề án, gồm các phần: khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm; khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ. Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện, gồm giải pháp về tuyên truyền; về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; về quy hoạch; về dự án, công trình; về chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; kiểm tra, xử lý vi phạm; giải quyết xung đột lợi ích.
Đối với kinh phí thực hiện Đề án, dự thảo nêu rõ do Ngân sách thành phố cấp; đồng thời, khuyến khích mọi hình thức xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, sửa chữa hè phố; tổ chức, cá nhân được phép tự tiến hành xây dựng, sửa chữa hè phố bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của UBND cấp huyện.
Tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất cao với mục đích chính của Đề án là khắc phục được tình trạng quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè và một phần lòng đường tại thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Đề án sẽ tạo được sự đồng thuận của nhân dân nếu được triển khai thực hiện. Đặc biệt, các ý kiến thống nhất cao với mục tiêu cao nhất của Đề án là quản lý trật tự đô thị, tiếp đó mới là các vấn đề liên quan tới khai thác phục vụ cho mục đích kinh tế và giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường điều hành thảo luận. Ảnh: Tuệ Phương
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức chính trị -xã hội và quận, huyện thuộc thành phố, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề. Bà Nguyễn Lan Hương khẳng định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ, chắt lọc và tổng hợp các ý kiến trở thành ý kiến chung của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tham gia phản biện vào dự thảo Đề án này gửi tới HĐND, UBND thành phố. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến, cố gắng hoàn thiện dự thảo với chất lượng tốt nhất khi trình dự thảo Đề án theo đúng thẩm quyền.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ về thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện một cách nghiêm túc Luật Thủ đô và chương trình hành động của Chính phủ. Đồng thời, rà soát, lược bỏ các văn bản đã hết hiệu lực, cập nhật đầy đủ các nội dung Luật Thủ đô và những nghị quyết, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về Đề án tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai thực hiện, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuệ Phương
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị, cần có sự bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra giám sát, phòng tránh tiềm ẩn về tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, cơ quan chức năng có đề xuất cơ chế để phối hợp các lực lượng khi triển khai thực hiện Đề án cũng như có chế tài xử lý nếu chủ thể được thuê nhưng sử dụng vỉa hè, lòng đường sai vị trí. Bên cạnh đó, quan tâm nội dung ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các thủ tục hành chính, thu phí, thu giá bằng vé điện tử bảo đảm không thất thoát, không tiêu cực, lãng phí và đáp ứng thuận tiện nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp nếu có nhu cầu thuê để sử dụng vỉa hè, lòng đường.