Sử dụng nước tiết kiệm mùa khô hạn

Hiện nay, thời tiết ít mưa kéo dài khiến nhiều khu vực trên cả nước, trong đó có Thái Nguyên, đang đối mặt với tình trạng hạn hán; mực nước ở các sông, suối, ao, hồ xuống thấp. Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình thời tiết năm 2025 có nhiều yếu tố bất thường, do đó việc tăng cường quản lý, bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước mặt, nước ngầm đang trở nên bức thiết.

Mực nước hồ Vai Miếu (xã Vạn Phú, huyện Đại Từ) hiện nay xuống rất thấp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Mực nước hồ Vai Miếu (xã Vạn Phú, huyện Đại Từ) hiện nay xuống rất thấp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tại Thái Nguyên, từ sau cơn bão số 3 (tháng 9-2024), thời tiết mới chỉ xuất hiện một vài cơn mưa nhỏ, không đủ “ướt đất”; những cơn mưa xuân cũng thưa thớt hơn mọi năm. Điều này khiến nguồn nước mặt ở các sông, suối, ao hồ xuống thấp.

Bà Nguyễn Thị Nga, ở xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi là người thường xuyên đánh cá trên sông Cầu (đoạn qua đập Ba Đa), thấy mực nước năm nay xuống thấp hơn khá nhiều so với những năm trước. Một số đoạn sông cạn đến mức lộ cả đáy, tình trạng này kéo dài từ Tết Nguyên đán đến nay. Thông thường, nước sông cạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Năm nay mưa ít, giờ đến cuối tháng 4 rồi mà nước sông Cầu vẫn cạn.

Chị Nguyễn Thị Tám, ở xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Gia đình tôi chủ yếu trồng rau xanh nên cần nhiều nước tưới. Năm nay thời tiết khô hạn, mực nước giếng khơi xuống thấp hơn những năm trước khoảng 1m, việc tưới rau gặp nhiều khó khăn. Mỗi tuần chỉ dám tưới một lần vì sợ hết nước.

Do khô hạn kéo dài nên mực nước sông Cầu tại khu vực chân đập Ba Đa (TP. Thái Nguyên) đang xuống rất thấp, nhiều đoạn trơ đáy.

Do khô hạn kéo dài nên mực nước sông Cầu tại khu vực chân đập Ba Đa (TP. Thái Nguyên) đang xuống rất thấp, nhiều đoạn trơ đáy.

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị quản lý khai thác nước mặt tại các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh), đã hơn 6 tháng qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh không có mưa lớn. Mực nước ở một số hồ đập xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, một số hồ như: Núi Cốc, Gềnh Chè vẫn duy trì lượng nước tích trữ tương đối ổn định. Trong khi đó, nhiều hồ đập tại các huyện đã xuống mức thấp, phải sử dụng máy bơm đưa nước lên kênh mương.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, Công ty sẽ điều tiết lịch xả nước hợp lý, đồng thời tăng cường sửa chữa hệ thống kênh mương, hạn chế thất thoát nước.

Không chỉ nguồn nước mặt, mực nước ngầm cũng giảm sâu so với trước đây. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường), cho biết: Hiện nay, đơn vị đang vận hành 32 công trình cấp nước sinh hoạt, để cung cấp nước cho hơn 31 nghìn khách hàng. Trong đó, 9 công nước tự chảy, 20 công trình sử dụng nước ngầm và 3 công trình mua nước. Do thời tiết khô hạn kéo dài, mực nước ngầm xuống thấp từ 5-12m, lượng nước mặt giảm từ 40-50%. Vì vậy, các công trình nước tự chảy và khai thác nước ngầm đều bị ảnh hưởng rất lớn. Đơn vị phải cấp nước luân phiên và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tổng lượng dòng chảy nước mặt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3,5 tỷ m³/năm, tổng lượng nước mưa khoảng 5,5 tỷ m³/năm, và lượng nước ngầm tự nhiên là 0,8 tỷ m³/năm.

Trong đó, nguồn nước tập trung chủ yếu ở các hệ thống sông lớn như sông Cầu (chảy từ Bắc Kạn qua 5 huyện, thành phố của Thái Nguyên), sông Công (Đại Từ - Sông Công - Phổ Yên) và sông Dong (Võ Nhai). Ngoài ra, hàng nghìn khe suối lớn nhỏ trên địa bàn cũng góp phần đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, các doanh nghiệp và người dân cần chủ động sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường để ứng phó với tình trạng khô hạn kéo dài.

Dương Hưng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202504/su-dung-nuoc-tiet-kiem-mua-kho-han-6f40d41/
Zalo