Sử dụng máy bay không người lái mang đồ cứu trợ, có cần phải xin phép?

Thiết bị bay không người lái (drone) dùng để mang đồ cứu trợ cần có kích thước lớn, đủ khả năng chở tải trọng cao và bay xa hàng chục đến hàng trăm kilomet. Việc vận hành đòi hỏi người điều khiển phải có kỹ năng chuyên môn, và cần được cấp phép.

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc chịu ngập lụt nghiêm trọng. Các địa bàn như TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), Hạ Hòa (Phú Thọ), Sơn Động và Lục Ngạn (Bắc Giang) bị cô lập hoàn toàn. Tại đây, các tuyến đường ngập sâu khiến nhiều người dân mắc kẹt, lực lượng chức năng khó có thể tiếp cận.

Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều lời kêu gọi cộng đồng sử dụng drone để cứu trợ, chuyển đồ dùng thiết yếu đến các hộ dân bị cô lập. Một đơn vị tại Hà Nội đã tiên phong đưa thiết bị bay không người lái đến phường Quang Vinh (TP Thái Nguyên) để hỗ trợ tiếp tế, trong khi lực lượng chức năng vẫn chưa thể vào được. Thiết bị này có khả năng vận chuyển tối đa 4kg hàng hóa mỗi chuyến.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Sáu, chuyên gia hàng không cho hay, theo quy định, trong phạm vi 15km quanh sân bay, các thiết bị bay không người lái cần phải được Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) cấp phép trước khi hoạt động.

Sử dụng máy bay không người lái mang áo phao cho người dân ở Thái Nguyên. Ảnh: Anh Hùng

Sử dụng máy bay không người lái mang áo phao cho người dân ở Thái Nguyên. Ảnh: Anh Hùng

Nếu sử dụng drone trong vùng cấm bay, mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng cho cá nhân và gấp đôi cho tổ chức (theo Nghị định số 162/2018/NĐ-CP).

Ngoài ra, các thủ tục về xin cấp phép cho thiết bị không người lái được quy định rõ trong Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay của các thiết bị bay không người lái.

“Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ứng dụng drone để vận chuyển hàng hóa đến những khu vực khó tiếp cận. Các tập đoàn lớn như Amazon và DHL đã sử dụng drone trong dịch vụ giao hàng của mình. Tuy nhiên, để thực hiện giao hàng bằng drone, cần phải sử dụng loại drone chuyên dụng với kích thước lớn, có khả năng vận chuyển tới 500kg và bay xa tới 250km. Điều này yêu cầu người điều khiển phải được đào tạo bài bản và có giấy phép hợp lệ”, ông Sáu cho biết.

Trên thị trường có rất nhiều thiết bị bay không người lái. Theo quy định, tất cả các thiết bị không nguười lái đều phải làm thủ tục đăng ký bay, xin cấp phép của Cục Tác chiến.

Tại Việt Nam loại hình máy bay không người lái mới phổ biến dùng để quay phim, chụp ảnh. Loại hình này được dùng trong tầm ngắn.

"Còn loại mang đồ cứu trợ phải lớn để mang được tải, có tầm hoạt động xa, hàng chục hoặc trăm kilomet thì chưa nhiều, không phải ai cũng vận hành được. Do vậy, những tổ chức, cá nhân muốn sử dụng loại hình vận tải này để mang đồ cứu hộ cho người dân cần phải tham khảo, xin ý kiến của các đơn vị nhà nước, đặc biệt là Cục Tác chiến. Do nhiều người không biết quy định, đặc biệt những nơi không có sân bay, thường không xin cấp phép.

Vì thế, người dân khi sử dụng thiết bị bay không người lái cần hết sức lưu ý đến các quy định pháp luật, tránh bị phạt ở mức rất cao, dù là làm việc tốt”, ông Sáu khuyến cáo.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-dung-may-bay-khong-nguoi-lai-mang-do-cuu-tro-co-can-phai-xin-phep-2321296.html
Zalo