Sử dụng kết quả V-SAT không làm giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp
Năm 2025, có 18 cơ sở giáo dục đại học thỏa thuận dùng chung kết quả của kỳ thi V-SAT để tuyển sinh.
Xét điểm thi V-SAT là phương thức tuyển sinh đại học được một số trường đại học áp dụng từ năm 2023. Năm 2025, có 18 cơ sở giáo dục đại học thỏa thuận sử dụng chung kết quả thi V-SAT. Kỳ thi V-SAT tổ chức 8 môn thi độc lập, bao gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý và bổ sung thêm môn Ngữ văn từ 2025.
Tăng mức độ khó của hệ thống câu hỏi trắc nghiệm
Năm 2024, Trường Đại học Tài chính - Marketing bổ sung phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT tối đa 5% chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học chính quy.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Trọng Tuyến - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Tài chính - Marketing thông tin, kỳ thi V-SAT là kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, được tổ chức bởi một số trường đại học tại Việt Nam từ năm 2023.
Kỳ thi được thiết kế để đánh giá năng lực của thí sinh nhằm mục đích tuyển sinh đại học. Nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Hiện nay, nhà trường đang tích cực hoàn thiện các đề án, văn bản quy định, hạ tầng công nghệ thông tin để chính thức triển khai tổ chức kỳ thi V-SAT từ đầu năm 2025.
Đảm bảo tính công bằng và phân hóa của kỳ thi, đề thi năm này gồm 4 dạng câu hỏi: Trắc nghiệm Đúng/Sai, Trắc nghiệm Ghép hợp, Trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và dạng câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn hoặc viết luận.
Các môn thi có vận dụng cách đánh giá của chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) để xây dựng những câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng và năng lực của mình vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Học viện Ngân hàng đã tổ chức kỳ thi V-SAT từ năm 2024, sau 1 năm tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng đánh giá: "Kỳ thi đã đạt được các mục tiêu đề ra như hệ thống tổ chức thi được vận hành chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại; đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng; đánh giá đúng năng lực của thí sinh.
Đề thi V-SAT năm 2025 ngày càng có sự chuẩn hóa, ngân hàng câu hỏi được cập nhật đồng thời điều chỉnh cách tính điểm nhằm nâng cao mức độ phân hóa năng lực của thí sinh.
Học viện Ngân hàng đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở hạ tầng công nghệ thông, cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ tổ chức, coi thi, an ninh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của việc tổ chức Kỳ thi V-SAT.
Tuy nhiên, hiện tại là số lượng phòng máy của nhà trường còn hạn chế, Học viện Ngân hàng sẽ phải thuê thêm địa điểm để đáp ứng được nhu cầu khi lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng cao".
Lần đầu tiên môn Ngữ văn được tổ chức thi trong kì thi VSAT
Năm 2025 là lần đầu tiên Trường Đại học Lạc Hồng tổ chức kỳ thi V-SAT, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, nhà trường hiện có hệ thống phần cứng và phần mềm cần thiết để đảm bảo kỳ thi diễn ra thông suốt.
Điều này bao gồm việc sở hữu thiết bị chất lượng cao và cập nhật các hệ thống mạng có khả năng xử lý lượng dữ liệu lớn trong thời gian thi.
Đội ngũ giáo viên và kỹ thuật viên đã được đào tạo kỹ lưỡng về cách sử dụng công nghệ mới và quản lý các tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình thi mới như V-SAT có thể gặp phải sự e ngại từ phía cán bộ, giảng viên, thí sinh và phụ huynh do thiếu thông tin và hiểu biết về kỳ thi này.
Một trong số những điểm mới của kỳ thi V-SAT năm 2025 là việc có thêm môn Ngữ văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm và viết luận trên máy tính. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Vinh đánh giá, điều này sẽ mang đến thay đổi đáng kể trong cách tổ chức kỳ thi.
Thứ nhất là khâu tổ chức: Việc thi môn Ngữ văn yêu cầu cải tiến phần mềm thi trong đó bổ sung chức năng viết luận. Nền tảng thi trên máy tính cần được nâng cấp để hỗ trợ các chức năng này, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và lưu trữ dữ liệu an toàn.
Mặc dù phần trắc nghiệm có thể được chấm tự động, phần viết luận cần có sự can thiệp của con người để đánh giá.
Do đó cần phải hỗ trợ giám khảo về cách sử dụng các công cụ đánh giá trên máy tính, cũng như cập nhật các tiêu chí chấm điểm cho phù hợp với hình thức thi mới.
Thứ hai là bố trí nhân lực: Cần có thêm giám khảo chuyên môn về Ngữ văn để chấm các bài luận, cũng như kỹ thuật viên để hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình thi.
Thứ ba là thủ tục dự thi: Việc tổ chức thi Ngữ văn đòi hỏi các thủ tục phức tạp hơn so với các môn trắc nghiệm thuần túy do phải kết hợp giữa chấm tự động và chấm thủ công. Cần có các bước kiểm tra chất lượng và tính công bằng trong chấm thi để đảm bảo tính chính xác của kết quả.
“Nhìn chung, việc bổ sung môn Ngữ văn sẽ làm tăng độ phức tạp trong tổ chức kỳ thi cả về mặt nhân lực, trang thiết bị và thủ tục. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng mang lại cơ hội để đánh giá bao quát hơn năng lực thực sự của thí sinh, đặc biệt là khả năng suy nghĩ phản biện và biểu đạt văn học” - thầy Vinh khẳng định.
Chia sẻ thêm về việc bổ sung môn Ngữ văn trong kỳ thi V-SAT 2025, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ bày tỏ: "Phần viết luận trong đề thi môn Ngữ văn sẽ chiếm khoảng 20% tổng số điểm của bài thi.
Việc viết trên máy tính có thể hạn chế tẩy xóa, bài viết được trình bày rõ ràng, tạo thuận lợi cho thí sinh và người chấm thi. Vấn đề chúng ta cần quan tâm là nghiên cứu kỹ lưỡng khâu chấm bài, đảm bảo bảo mật, công bằng và đánh giá đúng được năng lực của thí sinh.
Với khâu chấm thi trắc nghiệm, không chỉ với môn Ngữ văn mà các môn thi khác cũng đã có nhiều thay đổi để hạn chế tối đa yếu tố may rủi. Ví dụ nếu thí sinh trả lời đúng 4/4 ý trong 1 câu hỏi mới nhận được tối đa số điểm của câu hỏi đó còn đúng 3/4 ý sẽ chỉ nhận được 50% số điểm. Điều này sẽ đánh giá được chính xác hơn năng lực của người thi, tăng cường mức độ phân hóa thí sinh."
Xét tuyển V-SAT không làm giảm chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông
Đề cập đến vấn đề tỷ lệ chỉ tiêu cho các phương thức tuyển sinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Tài chính - Marketing khẳng định: “Trong phương hướng tuyển sinh năm 2025 dự kiến của nhà trường, phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT sẽ có điều chỉnh, tăng chỉ tiêu hơn so với năm 2024.
Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này nhằm mục đích đa dạng hóa cách xét tuyển, giúp thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực.
Tuy nhiên, điều này không làm giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông so với năm tuyển sinh trước. Nhà trường vẫn sẽ dành số chỉ tiêu nhất định để xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thí sinh.
Tuy nhiên, tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển có thể thay đổi tùy thuộc vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm tuyển sinh 2025".
Để đảm bảo tính công bằng trong xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức, Thạc sĩ Lê Trọng Tuyến chia sẻ, tính công bằng là yếu tố quan trọng đảm bảo việc tạo ra cơ hội bình đẳng như nhau cho tất cả các thí sinh, để thí sinh được thể hiện năng lực và được xét tuyển vào trường đại học một cách khách quan và minh bạch, cũng như không tạo ra bất lợi cho bất kỳ nhóm đối tượng thí sinh nào.
Việc giảm thiểu sự khác biệt giữa các phương thức xét tuyển có thể cân nhắc dựa trên các yếu tố như: kết hợp hay hợp nhất nhiều tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh khi xét trúng tuyển, lịch trình xét tuyển tập trung cho tất cả các phương thức xét tuyển…
Nhằm “gỡ rối” cho vấn đề xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức, thầy Tuyến bày tỏ: "Cần thiết phải rà soát, đánh giá lại chất lượng tuyển sinh của các phương thức trước khi có những quyết định điều chỉnh. Một trong số đó, có thể dự đoán, đó là cần giới hạn lại số lượng phương thức xét tuyển, hạn chế sử dụng các phương thức xét tuyển phức tạp, ít thí sinh quan tâm.
Đặc biệt, ưu tiên sử dụng các phương thức xét tuyển dựa trên kết quả đánh giá năng lực phù hợp với yêu cầu, đặc thù đào tạo của trường, ngành đào tạo và các phương thức xét tuyển đảm bảo tính công bằng và khách quan.
Ngoài ra, như đã nêu ở trên, việc xây dựng lịch trình cho việc xét tuyển triển khai tập trung cho tất cả các phương thức cũng góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ trúng tuyển “ảo”, từ đó chất lượng tuyển sinh cũng như hiệu quả tuyển sinh được nâng cao hơn".
Phó Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Lạc Hồng cũng thông tin, nhà trường dành tối đa 10% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi V-SAT.
Mặc dù vậy, việc triển khai phương thức xét tuyển này không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiến 30% tổng chỉ tiêu).
Theo quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Trọng Vinh, việc xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức là xu hướng đang được áp dụng rộng rãi, để thực hiện điều này hiệu quả, cần triển khai một số biện pháp sau:
Thứ nhất, tỉ lệ giữa các phương thức xét tuyển (xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ, thi năng khiếu, các kỳ thi riêng) nên được phân chia dựa trên mục tiêu và đặc thù của từng ngành học.
Ví dụ, các ngành nghệ thuật và thể thao có thể ưu tiên cao cho kỳ thi năng khiếu, trong khi các ngành khoa học tự nhiên và xã hội có thể dựa nhiều hơn vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Thứ hai, các trường đại học cần công bố rõ ràng các tiêu chí xét tuyển, phương pháp tính điểm và cách thức đánh giá cho từng phương thức. Điều này giúp thí sinh hiểu rõ yêu cầu và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình xét tuyển.
Thứ ba, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu và phân tích để theo dõi, đánh giá và tối ưu hóa quá trình xét tuyển. Công nghệ có thể giúp tự động hóa một số khâu đánh giá, giảm thiểu sai sót và tăng tính công bằng.
Thứ tư, cơ sở giáo dục đại học cũng nên đánh giá hiệu quả của các phương thức xét tuyển định kỳ để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn giáo dục và nhu cầu xã hội. Điều này giúp cập nhật các phương thức xét tuyển theo xu hướng mới và nhu cầu của thị trường lao động.
18 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả kì thi V-SAT để xét tuyển năm 2025 gồm:
1. Đại học Thái Nguyên
2. Đại học Duy Tân
3. Học viện Ngân hàng
4. Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
5. Trường Đại học Sài Gòn
6. Trường Đại học Tài chính – Marketing
7. Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
8. Trường Đại học Cần Thơ
9. Trường Đại học Vinh
10. Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh
11. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
12. Trường Đại học Văn Lang
13. Trường Đại học Đồng Tháp
14. Trường Đại học Trà Vinh
15. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
16. Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
17. Trường Đại học Lạc Hồng
18. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội