Sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau sáp nhập

Trước khi hợp nhất thành tỉnh Phú Thọ (mới), cả 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có tổng số 479 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp, sáp nhập số đơn vị hành chính cấp xã của 3 tỉnh chỉ còn 148 xã, phường; không còn chính quyền cấp huyện. Việc sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng có nhiều trụ sở làm việc dôi dư.

Xã Thái Hòa khai thác Trung tâm văn hóa - Thể thao (cũ) làm Trung tâm phục vụ hành chính công đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt. Ảnh Trần Tỉnh

Xã Thái Hòa khai thác Trung tâm văn hóa - Thể thao (cũ) làm Trung tâm phục vụ hành chính công đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt. Ảnh Trần Tỉnh

Để bảo đảm việc rà soát tổng thể và sắp xếp, bố trí lại trụ sở, cơ sở vật chất đã được trang bị phù hợp với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai sắp xếp, xử lý trụ sở, cơ sở vật chất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Theo công điện, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát tổng thể, xây dựng dự kiến phương án bố trí trụ sở làm việc cho các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính để báo cáo UBND tỉnh.

Việc sắp xếp, điều hòa các cơ sở nhà, đất trong nội bộ địa phương được bố trí phù hợp với thực tiễn của đơn vị, tận dụng tối đa tài sản hiện có, đảm bảo hiệu quả, minh bạch, bền vững, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) trước khi hợp nhất có 121 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp, sáp nhập trong nội bộ, Vĩnh Phúc còn 36 đơn vị hành chính mới (32 xã, 4 phường).

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tổng số cơ sở nhà, đất các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đang quản lý, sử dụng là 120 cơ sở (không kể các đơn vị sự nghiệp là các trường THPT, Bệnh viện và Trung tâm y tế). Căn cứ thực tế biên chế, số lượng thực tế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ quan chức năng đã rà soát, đánh giá các công trình trụ sở hiện hữu thuộc phạm vi quản lý để sắp xếp, bố trí sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả.

Trong đó, ưu tiên sắp xếp, bố trí cho các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, văn hóa cộng đồng. Gắn công tác kiểm kê tài sản công với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Trung ương. Theo đó, đã có 92/120 cơ sở được bố trí làm trụ sở làm việc cho bộ phận ở lại làm việc tại khu vực Vĩnh Phúc (cũ) của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Còn gần 30 cơ sở dôi dư được Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Song song với sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập tỉnh, để đáp ứng yêu cầu công việc của chính quyền địa phương mới, việc bố trí, sử dụng trụ sở cũng như trang thiết bị làm việc cũng được thực hiện theo hướng tối ưu, tránh lãng phí.

Qua rà soát tổng thể, số cơ sở nhà, đất hiện tại đang được bố trí làm trụ sở làm việc của chính quyền cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) là 224 cơ sở. Khi chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai, việc bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan cấp xã sau sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản phù hợp với 130 cơ sở. Có 94 cơ sở dôi dư cũng đã có phương án xử lý đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của đơn vị hành chính cơ sở, như: Bố trí 25 cơ sở làm trụ sở công an cấp xã; 3 trụ sở làm việc Viện Kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân các khu vực; 17 cơ sở được sử dụng để mở rộng trường mầm non, tiểu học và trường THCS; 21 cơ sở làm nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng; 11 cơ sở làm khu sinh hoạt công cộng (văn hóa thể thao, công viên). Với một số cơ sở dôi dư dự kiến được bán đấu giá quyền sử dụng đất ở hoặc đấu giá quyền cho thuê đất thương mại dịch vụ.

Tại các địa phương, ngay sau khi hoàn tất sáp nhập, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã chủ động sử dụng trụ sở của UBND các xã, phường (cũ) bố trí thành nơi làm việc của các cơ quan cấp xã, phù hợp với thực tiễn của đơn vị hành chính cơ sở, như: Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND; Trung tâm văn hóa - thể thao; Trung tâm phục vụ hành chính công; Công an... Thực tế cho thấy, để sử dụng hiệu quả trụ sở, nhiều chính quyền cơ sở đã chủ động đề xuất mô hình phù hợp với nhu cầu địa phương. Phường Vĩnh Phúc đã bố trí các cơ quan của phường là: Trung tâm phục vụ hành chính công được đặt tại trụ sở làm việc của phường Liên Bảo (cũ); trụ sở Ban CHQS phường được đặt tại trụ sở làm việc của phường Đống Đa (cũ); trụ sở Ban Quản lý dự án phường được đặt tại phường Ngô Quyền...

Người dân được cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thái Hòa hướng dẫn nhiệt tình để hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính. Ảnh Trần Tỉnh

Người dân được cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thái Hòa hướng dẫn nhiệt tình để hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính. Ảnh Trần Tỉnh

Để việc bố trí, sử dụng trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cũ thực hiện theo hướng tối ưu, tránh lãng phí, cũng như kịp thời tháo gỡ những của chính quyền cơ sở, UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác tổ chức khảo sát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi chính quyền địa phương cấp xã đi vào hoạt động. Qua công tác khảo sát, kiểm tra cho thấy thực tế tại một số địa phương vẫn gặp những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm thực hiện thủ tục liên thông...

Trong đó, việc sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan cấp xã còn nhiều khó khăn do trụ sở hiện có không đáp ứng với yêu cầu, cần được điều chỉnh, sửa chữa, nâng cấp theo mô hình đơn vị hành chính mới. Đơn cử như xã Hải Lựu được thành lập từ sáp nhập của 4 đơn vị hành chính cấp xã là: Hải Lựu, Nhân Đạo, Đôn Nhân, Phương Khoan thuộc huyện Sông Lô (cũ), qua khảo sát, địa phương không có trụ sở làm việc tập trung, đồng bộ, do cơ sở hạ tầng của các xã cũ đều nhỏ, hẹp nên chưa thể bố trí được nơi làm việc hợp nhất cho cả Đảng ủy, HĐND, UBND và Trung tâm hành chính công mà phải chia làm 2 địa điểm cách xa nhau, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành và phối hợp công tác. Xã Yên Lãng (gồm xã Quang Yên, Lãng Công thuộc huyện Sông Lô cũ), trụ sở làm việc đã xuống cấp; phòng làm việc nhỏ hẹp; trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu thốn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành chính quyền cơ sở.

Trên cơ sở khảo sát, phản ánh của các địa phương, các tổ công tác đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi chính quyền địa phương cấp xã đi vào hoạt động. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của tỉnh sẽ giúp chính quyền cơ sở hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Hoàng Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/su-dung-hieu-qua-tru-so-lam-viec-sau-sap-nhap-236029.htm
Zalo