Sử dụng đúng loại phân bón cho cây trồng an toàn, hiệu quả

Ngày 19-12, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và thành phố Cần Thơ tổ chức diễn đàn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Cao cho biết, Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM” diễn ra vào thời điểm cuối năm, nhưng lại là đầu vụ đông xuân 2024-2025 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện này không chỉ quan trọng đối với ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn cho cả nước. Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Cao phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Cao phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo kế hoạch hành động của Cục Bảo vệ thực vật, đến 2030 sẽ có hơn 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM. Mỗi tỉnh trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Mỗi xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh. Qua đó, giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học. Hơn 90% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng quy định.

Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông IPHM, chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giúp giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ Huỳnh Thanh Vui cho biết, Cần Thơ có khoảng 75.000ha đất chuyên canh lúa, hơn 26.000ha cây ăn quả và diện tích gieo trồng rau màu là 15.000ha. Thành phố Cần Thơ đã tích cực tuyên truyền về IPHM, với Hội thi nông dân ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp giỏi năm 2024, thu hút đông đảo nông dân tham gia; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM. Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, nông dân về IPHM, đào tạo được 30 cán bộ kỹ thuật IPHM cấp thành phố, 30 nông dân nòng cốt huyện Cờ Đỏ; xây dựng và nhân rộng được 10 mô hình IPHM trên canh tác lúa, cây ăn quả và cây rau màu.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hương Giang

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hương Giang

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, qua triển khai IPHM ở các địa phương cho thấy, chương trình phù hợp với giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Ngoài ra, việc ứng dụng IPHM giúp hoạt động trồng trọt thay đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, tạo ra sản phẩm an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Các mô hình được triển khai đều hướng người dân sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, tập trung vào sức khỏe đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng. Do đó, người sản xuất cần tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo dược, nhất là những thuốc sử dụng các hoạt chất chiết từ vi sinh vật, thay vì sử dụng sinh vật sống...

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/su-dung-dung-loai-phan-bon-cho-cay-trong-an-toan-hieu-qua-687906.html
Zalo