Sử dụng điều hòa ô tô đúng cách trong mùa nồm
Không hạ cửa kính, chọn chế độ lấy gió trong và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp là những mẹo giúp hệ thống điều hòa ô tô làm việc hiệu quả khi thời tiết nồm ẩm.
Không hạ kính cửa sổ, sử dụng chức năng sấy
Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, việc sử dụng hệ thống điều hòa trên ô tô đúng cách không chỉ giúp khoang nội thất tránh được các hư hỏng do hơi ẩm. Đồng thời điều này còn giúp lái xe cải thiện không khí bí bách, ẩm mốc khó chịu thường xuất hiện trong không gian nội thất của xe.
Điều đầu tiên lái xe cần chú ý là không được hạ kính cửa sổ xe khi xe đang di chuyển trong thời tiết mưa nồm, bởi đây là nguyên nhân chính khiến không khí ẩm ướt từ bên ngoài dễ xâm lấn không gian trong xe.

Không mở cửa kính khi di chuyển sẽ giúp hạn chế hơi ẩm từ không khí xâm nhập vào khoang nội thất ô tô. Ảnh minh họa.
Điều này dẫn đến tình trạng đồ dùng, trang thiết bị nội thất bị ngấm nước, ẩm mốc và có mùi hôi khó chịu. Để hạn chế tối đa tình trạng gió nồm mang không khí ẩm vào ảnh hưởng tới môi trường trong xe nên chủ động đóng kín tất cả các cửa.
Đồng thời nên bật điều hòa ở chế độ sấy để hong khô nội thất. Đối với xe điện, có thể cài đặt chế độ lạnh dao động từ 23-25 độ C và khép cửa gió điều hòa. Việc này vừa giúp hạn chế hơi ẩm trong không gian nội thất, vừa giúp không tiêu tốn quá nhiều năng lượng từ pin và người ngồi trong xe không bị lạnh.
Điều chỉnh cửa gió điều hòa phù hợp
Hiện tượng đọng nước, mờ kính không phải hiếm gặp khi thời tiết chuyển nồm. Để khắc phục tình trạng này cần mở điều hòa, điều chỉnh nhiệt độ về mức thích hợp để giảm mức chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời.
Chọn chế độ lấy gió trong để ngăn chặn hơi ẩm từ ngoài lọt vào trong xe. Đồng thời điều chỉnh hướng của các khe cửa gió đảm bảo gió không thổi trực tiếp vào các vị trí cửa kính của xe từ kính lái đến cửa sổ hai bên.
Tận dụng chức năng sấy kính trên các dòng xe hiện đại để kính được làm khô nhanh chóng. Khi nhiệt độ trong xe đã trở lại trạng thái cân bằng, lượng hơi nước giảm, kính sẽ tự động hết mờ.
Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, nội thất của xe rất dễ gặp tình trạng xuất hiện mùi hôi do bụi bẩn tích tụ, lâu ngày chưa được làm vệ sinh, dọn dẹp khi gặp thời tiết nồm ẩm các vi khuẩn nấm mốc phát triển gây ra mùi hôi khó chịu.

Điều chỉnh cửa gió và nhiệt độ phù hợp để tránh kính xe đọng hơi nước. Ảnh minh họa.
Để hạn chế tình trạng này nên thường xuyên lau chùi điều hòa, đặc biệt là trước thời điểm mùa nồm cận kề. Việc tận dụng những chai xịt vệ sinh ô tô chuyên dụng cần thiết và hiệu quả để làm sạch các loại bụi bẩn có trong hệ thống điều hòa của xe.
Song song với đó, nên lưu ý thao tác tắt điều hòa xe, chuyển sang chế độ quạt gió trước khi tắt máy từ 1 đến 3 phút. Đây là thói quen tốt cần được duy trì để ngăn chặn tình trạng hệ thống máy lạnh trong xe bị ngưng tụ gây ẩm mốc cho đường ống, dàn lạnh, gây mùi hôi cho những lần dùng sau.
Bên cạnh hệ thống điều hòa, thời tiết mưa nồm với độ ẩm không khí cao, nồng độ axit và các loại bụi công nghiệp tác động lên hầu hết bộ phận ô tô dẫn đến tình trạng dễ hỏng hóc. Do đó nên lưu ý bảo quản phương tiện cẩn thận hơn, tránh nguy cơ sửa chữa, thay mới tốn kém.