Sử dụng bọt biển để giải quyết ô nhiễm vi nhựa trong nguồn nước
Vi nhựa đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách trên Trái đất, từ đỉnh núi cao đến đáy đại dương sâu thẳm. Thậm chí là trong nước đóng chai, nhau thai người và sữa mẹ.
Những hạt vi nhựa li ti này đang bóp nghẹt sự sống của các loài động vật hoang dã, phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái và đe dọa đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, chúng lại rất khó để loại bỏ.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp: một miếng bọt biển phân hủy sinh học làm từ xương mực và bông.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán đã phát triển một loại bọt biển phân hủy sinh học từ chitin (lấy từ xương mực) và cellulose (lấy từ bông), hai hợp chất hữu cơ có khả năng hấp thụ ô nhiễm từ nước thải.
Miếng bọt biển này được thử nghiệm trên bốn loại nước khác nhau, bao gồm nước tưới, nước ao, nước hồ và nước biển, và kết quả cho thấy nó có thể loại bỏ tới 99,9% vi nhựa trong các mẫu nước này.
"Hành tinh đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi vi nhựa và các hệ sinh thái dưới nước là những nơi đầu tiên phải chịu ảnh hưởng", các tác giả bài nghiên cứu viết.
Nghiên cứu cho biết miếng bọt biển có thể hấp thụ vi nhựa bằng cách chặn chúng lại một cách vật lý và thông qua lực hút điện từ.
Tuy nhiên có một vấn đề phát sinh là dù miếng bọt biển phân hủy sinh học, nhưng vi nhựa mà nó hấp thụ cần được xử lý một cách cẩn thận. Nếu không, có nguy cơ vi nhựa sẽ được chuyển từ hệ sinh thái này sang hệ sinh thái khác.
Vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Chúng xuất hiện ở mọi nơi, từ lốp xe, cao su từ sân bóng đá nhân tạo cho đến các sản phẩm làm đẹp như chất tẩy tế bào chết.
Một nghiên cứu từ năm 2020 ước tính có 14 triệu tấn vi nhựa dưới đáy đại dương. Vi nhựa là một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay, đã trở thành vấn đề được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.
Nhựa là một loại ô nhiễm tồn tại lâu dài, gây hại cho động vật hoang dã, đại dương và ngày càng có nhiều lo ngại về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn mà nó gây ra cho con người.
Một nghiên cứu cho thấy, dù chúng ta bắt đầu hành động ngay lập tức, thì vẫn sẽ có khoảng 710 triệu tấn nhựa gây ô nhiễm môi trường vào năm 2040.