Sử dụng bền vững vùng đất ngập nước gắn với phát triển sinh kế người dân
Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước được phân bố ở châu thổ Sông Hồng, Sông Cửu Long và các hệ sinh thái đầm phá, bãi bùn, vùng cửa sông và vùng ngập mặn dọc theo bờ biển.
Ngày Đất Ngập Nước Thế giới (2/2) năm 2024 có chủ đề: “Đất ngập nước và phúc lợi cho con người.”
Các hoạt động hướng đến mục tiêu làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng đất ngập nước trên thế giới; nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng đất ngập nước trên thế giới.
Vai trò quan trọng của vùng đất ngập nước
Các vùng đất ngập nước góp phần rất lớn để cân bằng sinh thái, cung cấp dinh dưỡng, là môi trường sinh tồn của nhiều loài động vật hoang dã; lưu trữ carbon; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước được phân bố ở châu thổ Sông Hồng, Sông Cửu Long và các hệ sinh thái đầm phá, bãi bùn, vùng cửa sông và vùng ngập mặn dọc theo bờ biển.
Hệ sinh thái đất ngập nước của Việt Nam rất đa dạng với 1.028 loài cá, hơn 800 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và hơn 11.000 loài động, thực vật sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.
Việt Nam đã đề cử thành công chín Khu Ramsar với tổng diện tích 120.549ha, bao gồm: Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định); Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Tràm Chim (Đồng Tháp); Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn Quốc gia Côn Đảo; Khu Bảo tồn Đất Ngập Nước Láng Sen (Long An); Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất Ngập Nước Vân Long (Ninh Bình).
Công ước Ramsar được thông qua vào năm 1971, đến nay đã có sự tham gia ký kết của gần 90% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Việt Nam đã phê chuẩn, trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar từ năm 1989 và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước.
Hưởng ứng đề nghị của Ban Thư ký Công ước Ramsar triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất Ngập Nước Thế giới (2/2) năm 2024 và lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ “Phục hồi Hệ Sinh thái,” Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 183/BTNMT-BTĐD gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan Trung ương của các Ban, ngành và đoàn thể; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với sự sống của con người và thiên nhiên, tăng cường nhận thức về các mối đe dọa chính đối với hệ sinh thái đất ngập nước; đồng thời kêu gọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi đất ngập nước.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp hoặc phát động các phong trào gắn với chủ đề Ngày Đất Ngập Nước Thế giới năm 2024; tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của Bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.
Gắn với sinh kế cho người dân
Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học luôn được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững.
Công tác bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước.
Đặc biệt là tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống tại vùng đất ngập nước và các bên liên quan; đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.
Tháng 1/1989, vùng đất ngập nước thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) chính thức được công nhận là Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, thứ 409 của thế giới.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Đây là hệ sinh thái mở, có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Hàng trăm hộ gia đình thuộc các xã vùng đệm Vườn Quốc gia sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng và thủy hải sản. Để hỗ trợ người dân, Vườn Quốc gia Xuân Thủy cùng với nhiều tổ chức triển khai các dự án, giúp người dân địa phương tăng thu nhập bằng các sinh kế mới như trồng nấm, nuôi ong, làm du lịch sinh thái cộng đồng.
Hưởng lợi từ Vườn, người dân, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã phối hợp với Vườn tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển hệ sinh thái.
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn các hoạt động trái phép như săn bẫy chim hoang dã, khai thác củi, khai thác thủy sản không đúng quy định.
Nhân viên Ban Quản lý Vườn đến các xã vùng đệm tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các loài chim di trú hoang dã.
Hằng năm, Vườn Quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các ban, ngành và cộng đồng dân cư vùng đệm thực hiện các dự án trồng rừng quốc gia như Dự án 327, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng…
Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) là khu Ramsar biển-đảo đầu tiên của nước ta. Các nhà khoa học đánh giá Vườn Quốc gia Côn Đảo với hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Những giá trị đặc sắc về cảnh quan của thiên nhiên và hệ sinh thái độc đáo được xem là “tài sản” chung không gì đánh đổi được của Côn Đảo.
Năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng với 20 địa điểm, tổng diện tích hơn 900ha. Đề án được quy hoạch để thu hút đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp dưới tán rừng kết hợp bảo tồn thiên nhiên.
Năm 2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Du lịch Sinh thái, Nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Côn Đảo. Đề án đã khai thác hiệu quả 17 tuyến du lịch như Ma Thiên Lãnh-Hang Đức Mẹ-Cây Di sản, Đất Thắm-Bãi Bàng, Vịnh Đầm Tre, Đảo Côn Sơn-các đảo nhỏ, Đất Dốc-Núi Nhà Bàn, Sân bay Cỏ Ống-Hòn Cau...
Du khách được trải nghiệm xem rùa mẹ đẻ trứng, thả rùa con về biển; bơi, lặn biển khám phá hệ sinh thái biển; tham quan yến tự nhiên làm tổ; đi bộ trong rừng, thể thao leo núi quan sát động vật hoang dã, khám phá thiên nhiên…
Việc khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhà đầu tư tham gia khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái vừa chia sẻ lợi ích, giúp người dân có nghề nghiệp và thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch, vừa gắn kết cộng đồng địa phương tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Với nguồn tài nguyên đa dạng và hệ sinh thái phong phú, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất Ngập Nước Vân Long, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Khu vực này đạt hai kỷ lục về thiên nhiên của Việt Nam là "Khu Bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào."
Các cấp, ngành địa phương và người dân sống xung quanh Khu Bảo tồn đã tích cực bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống của các loài động, thực vật, giữ lại những nét hoang sơ vốn có của Vân Long.
Ủy ban Nhân dân huyện Gia Viễn xây dựng các sản phẩm du lịch xanh; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch.
Bên cạnh đó, huyện xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với du khách và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.
Quản lý, khai thác Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất Ngập Nước Vân Long ngày càng hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế với mục tiêu vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn hệ sinh thái độc đáo, hấp dẫn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã giao các ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình quản lý, phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn./.