Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4): Nâng trình độ đội ngũ cán bộ đại đội

Đánh giá về Hội thi đại đội trưởng, chính trị viên đại đội giỏi năm 2024 của Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4), Đại tá Phùng Thế Hùng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309 khẳng định: 'Thành công nhất của hội thi đại đội trưởng, chính trị viên đại đội giỏi là trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt; phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, nhất là kỹ năng soạn thảo kế hoạch và tác phong chỉ huy, điều hành, xử trí tình huống thực tế ở đơn vị cơ sở'.

Điểm nổi bật ở hội thi năm nay là nội dung báo cáo chiến lệ thu hút sự quan tâm của cả thí sinh và ban giám khảo, để lại ấn tượng và kỳ vọng sẽ được vận dụng vào thực tế huấn luyện, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Mỗi thí sinh chọn một trận đánh tiêu biểu của Quân đội ta để báo cáo kế hoạch chiến đấu, công tác tổ chức chuẩn bị và diễn biến trận đánh, rút ra ưu điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm. Vấn đề cốt lõi là, từ bài học kinh nghiệm đó, đội ngũ cán bộ học tập được gì trong quá trình huấn luyện bộ đội nhằm phát huy kinh nghiệm hay, tránh mắc phải những sai sót đã được chỉ ra trong chiến lệ.

 Chỉ huy Sư đoàn 309 khen thưởng các thí sinh tiêu biểu.

Chỉ huy Sư đoàn 309 khen thưởng các thí sinh tiêu biểu.

Thượng úy Phạm Huy Hoàng, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 31) cho biết: “Tôi báo cáo chiến lệ trận tập kích Tiểu đoàn 2, Chiến đoàn 7, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ, diễn ra tại trảng Bà Điếc (Tây Ninh) ngày 29-3-1970.

Trận đánh do Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) đảm nhiệm. Bài học quan trọng mà chúng tôi cần vận dụng vào thực tiễn giáo dục, huấn luyện tại đơn vị là phương pháp giáo dục xây dựng ý chí quyết tâm, đoàn kết, thống nhất cho bộ đội; ý thức địch tình và nghệ thuật chớp thời cơ tập kích giành thắng lợi”.

Phần thi báo cáo chiến lệ của Thượng úy Phan Văn Tín, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31) xoay quanh trận vận động tập kích của Tiểu đoàn 1 (LLVT tỉnh Đồng Nai), diễn ra ngày 24-11-1967, tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (Sư đoàn bộ binh 18, thuộc lực lượng kỵ binh Mỹ) dừng chân dã ngoại ở khu vực cầu Tân Lợi.

Thượng úy Phan Văn Tín chia sẻ: “Trong điều kiện chuẩn bị và thực hành chiến đấu gấp rút, việc tập kích nhanh, đúng thời điểm và cơ động bí mật có vai trò quan trọng bảo đảm thành bại của trận đánh. Từ thực tế chiến lệ, chúng tôi rút ra ý nghĩa thực tiễn để vận dụng hiệu quả vào huấn luyện chiến thuật, nhất là yếu tố bí mật, bất ngờ trong tác chiến”.

Trong hội thi, các thí sinh còn tham gia đua tài ở những nội dung: Soạn thảo, thuyết minh kế hoạch chiến đấu (thí sinh là đại đội trưởng); soạn thảo nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu, kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến đấu (thí sinh là chính trị viên đại đội), thể lực, nhận thức chung, điều lệnh đội ngũ, bắn súng K54... Nội dung thi khá toàn diện, đánh giá đầy đủ trình độ, phương pháp huấn luyện, kỹ năng, sức khỏe cần có của cán bộ cấp đại đội.

Hầu hết thí sinh đều thể hiện quyết tâm cao, xem đây là cơ hội để học tập, rèn luyện, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; đồng thời cũng là dịp để các thí sinh kiểm tra lại trình độ của bản thân, khẳng định năng lực, rút ra bài học kinh nghiệm, bảo đảm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đại tá Vũ Văn Tám, Chính ủy Sư đoàn 309 nhấn mạnh: “Hội thi là cơ sở để đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ đại đội; đồng thời phát hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời hạn chế, xác định đúng nội dung, biện pháp bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

Bài và ảnh: PHAN RẢNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/su-doan-309-quan-doan-4-nang-trinh-do-doi-ngu-can-bo-dai-doi-795383
Zalo