Sự chuyển mình của nông nghiệp, nông thôn Hưng Yên

Cùng với việc nỗ lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, diện mạo nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hưng Yên đang ngày thêm khởi sắc.

Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hưng Yên, ngay sau khi Nghị quyết số 09 - NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, tham mưu Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 2/6/2022 của UBND để cụ thể hóa, thực hiện nghị quyết.

Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và chính quyền các cấp xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch của đơn vị mình và tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập, triển khai thực hiện sâu rộng nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Khai thác và phát huy tốt lợi thế của tỉnh

Cụ thể, UBND tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và giải vụ, chuyển đổi từ đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hiệu quả kinh tế cao hơn, gia tăng giá trị thu được trên đơn vị diện tích canh tác; chỉ đạo đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc...

Gắn kết thực hiện việc chuyển đổi số với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; xây dựng và thực hiện đề án "Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản của tỉnh"; dự án "Tăng cường khảo nghiệm để phát triển nhanh những giống cây trồng mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng của tỉnh"; dự án “Chọn lọc, duy trì, sản xuất, giống gốc nếp thơm Hưng Yên và chọn tạo giống lúa mới phục vụ nhu cầu sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh”; chuyển giao kỹ thuật trồng và thâm canh các giống lúa, cây vụ đông và chuyển đổi đất, xây dựng cánh đồng mẫu...

Một góc nông thôn mới ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Một góc nông thôn mới ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Trong chăn nuôi, tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại; chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGAP, theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, chủ động kiểm soát chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh...

Đối với thủy sản, chỉ đạo tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, loài nuôi, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo hợp tác xã, doanh nghiệp, từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, tích cực ứng dụng công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh”, “nuôi lồng bè trên sông” và “nuôi thủy sản trong ao bán nổi”…

Ngoài ra, tập trung các hoạt động hỗ trợ cơ giới hóa, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; chứng nhận sản phẩm OCOP; đê điều thủy lợi, nước sạch, phòng chống thiên tai, an toàn thực phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thu hút đầu tư, tích tụ tập trung ruộng đất...

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ.

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, mục tiêu của nghị quyết đó là nhằm thực hiện cơ cấu lại, xây dựng nền nông nghiệp Hưng Yên “Hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”; tập trung khai thác và phát huy tốt lợi thế của tỉnh; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn sản xuất với bảo quản và chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp

Đồng thời, đổi mới phương thức sản xuất, cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới; xây dựng nông thôn mới “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, ngày càng văn minh, hiện đại; xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn.

Nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao

Thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã ban hành mới và rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tiếp tục cho thực hiện 52 đề án, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản...

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; đã chuyển hàng nghìn ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên 19.000 ha; diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh, trong đó cây nhãn đạt khoảng 5000 ha, vải hơn 1.100 ha, cây có múi hơn 4.600 ha; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 70,1%.

Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với sản xuất lúa; giá trị thu được trên một ha canh tác năm 2022 đạt trên 230 triệu đồng, năm 2023 đạt 238 triệu đồng/ha và mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 là 250 triệu đồng/ha.

Đến nay, tổng diện tích vải toàn huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đạt khoảng 1.200 ha, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ (diện tích trồng 850 ha) và vải trứng Hưng Yên (diện tích trồng 350 ha) được sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong ảnh: Sản phẩm vải trứng Hưng Yên, vải lai chín sớm Phù Cừ được trưng bày, bán tại Khu đô thị Ecopark Văn Giang.

Đến nay, tổng diện tích vải toàn huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đạt khoảng 1.200 ha, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ (diện tích trồng 850 ha) và vải trứng Hưng Yên (diện tích trồng 350 ha) được sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong ảnh: Sản phẩm vải trứng Hưng Yên, vải lai chín sớm Phù Cừ được trưng bày, bán tại Khu đô thị Ecopark Văn Giang.

Về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản từng bước chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản chiến tỷ lệ ngày càng cao, hơn 52% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong đó, nuôi thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và xuất bán đi các tỉnh, thành phố trong nước.

Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng, hoạt động hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cơ bản được chuyển đổi. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn đang tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và có sự chuyển dịch hiệu quả; sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị có sự hợp tác, liên kết giữa nông dân, các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản ngày càng được quan tâm, mở rộng…

Theo ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên, xuất phát từ nhu cầu tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất; tạo ra ngày càng nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, các địa phương trong tỉnh đã triển khai mạnh mẽ chủ trương dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn.

Mô hình cánh đồng lớn xuất hiện và được nhân rộng tại nhiều địa phương đã thúc đẩy phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, tăng cường liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã hình thành được 300 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích 5.980 ha, bình quân khoảng 20ha/mô hình.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai hàng chục nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đưa vào đời sống; trình diễn, khảo nghiệm, chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và dịch bệnh đưa vào sản xuất như giống lúa nếp thơm Hưng Yên; giống vải trứng và vải lai chín sớm Hưng Yên

Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô giống hoa các loại; giống gà Đông Tảo, gà Đông Tảo lai; giống bò lai Laisind; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thụ tinh nhân tạo giống bò, giống gà Đông Tảo; ứng dụng công nghệ tưới phun nhỏ giọt tự động, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nhà lưới, nhà màng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Check.net; OTAS; quản lý dữ liệu thủy sản...); ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về mạ khay, máy cấy phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp...

Giá trị thu được trên một ha canh tác năm 2023 của Hưng Yên đạt 238 triệu đồng. Trong ảnh: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn đến tham quan sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên và trao đổi với người sản xuất nhãn trong tỉnh.

Giá trị thu được trên một ha canh tác năm 2023 của Hưng Yên đạt 238 triệu đồng. Trong ảnh: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn đến tham quan sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên và trao đổi với người sản xuất nhãn trong tỉnh.

Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên thông tin, toàn tỉnh hiện có 252 sản phẩm OCOP, trong đó có 206 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 46 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Hệ thống truy xuất nguồn gốc đã đăng tải thông tin của 379 cơ sở, với 900 sản phẩm nông, lâm, thủy sản; giúp xây dựng cơ sở dữ liệu của các đơn vị tham gia, nhằm cung cấp các thông tin chính xác, nhanh nhất, tạo niềm tin với người tiêu dùng và mở rộng thị trường.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hưng Yên chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững…

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên, năm 2023, toàn tỉnh huy động được trên 11.400 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới. Hưng Yên có thêm 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 102/139 xã, 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu có từ 1 đến 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hưng Yên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như bám sát các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, các bộ, ngành để triển khai thực hiện; rà soát, nghiên cứu, tham mưu các cơ chế chính sách dành riêng cho địa phương. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất tiêu biểu. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại…

Phùng Lâm Hòa

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/su-chuyen-minh-cua-nong-nghiep-nong-thon-hung-yen-30933.html
Zalo