Sự chuyển mình của hệ thống giao thông Thành phố Hồ Chí Minh

Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Hầm Thủ Thiêm. (Ảnh THẾ ANH)

Hầm Thủ Thiêm. (Ảnh THẾ ANH)

Bài 1: Giao thông là trụ cột của nền kinh tế

Nhìn lại chặng đường phát triển, từ những vùng đầm lầy, hoang hóa, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hàng nghìn con đường, cây cầu, đại lộ, cảng biển... với hơn 5.000 km đường giao thông phục vụ giao thương đi lại và vận tải hàng hóa; khẳng định quan điểm mang tính chiến lược của chính quyền thành phố “giao thông là trụ cột của nền kinh tế”.

BIẾN ĐẦM LẦY THÀNH ĐẠI LỘ

Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Văn Bé (70 tuổi) vẫn nhớ như in ngày đại lộ Nguyễn Văn Linh được khánh thành vào năm 2007. Từ một vùng bưng biền, lau sậy, ít người qua lại nay đã thành đại lộ sáng đèn ngày đêm, xe cộ tấp nập. Ông Bé kể, lúc đó gia đình ông ở xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, chỉ mong có đường để thuận tiện đi lại, buôn bán. Được biết, thành phố chuẩn bị làm đường trên vùng đất bùn nhão ông Bé khấp khởi mong chờ. Khi có đường thông thương, ai nấy đều vui mừng, đời sống đổi thay, kinh tế phát triển…

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận chia sẻ, muốn có đường thì phải khai phá những rặng đước, đầm lầy, nhưng vốn ở đâu, làm sao để có tiền là điều không dễ dàng. Rồi những cuộc tranh luận “nảy lửa”, từ phương án lộ giới, thi công trên nền đất yếu, đến hiệu quả đầu tư được đưa ra bàn bạc, cân nhắc. Mấu chốt cần hóa giải chính là cơ chế “đổi đất lấy công trình” giữa thành phố và nhà đầu tư cuối cùng đã được thống nhất.

Tháng 12/1996, sau khi chính quyền thành phố thông qua chủ trương, cùng với nguồn vốn rót vào từ nhà đầu tư nước ngoài, công trình tuyến đường bắc Nhà Bè-nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh) được chính thức khởi công. Năm 2007, đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18 km, được xem là đại lộ đầu tiên và dài nhất thành phố, thi công hoàn thiện đã làm thay đổi diện mạo 3.000 ha khu nam Sài Gòn. Đại lộ này thông xe còn là tiền đề hình thành khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước, góp phần thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư vào khu chế xuất Tân Thuận. Cùng với cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng và khai thác, tuyến đường trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ khu vực nam Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ.

HẦM DÌM DƯỚI LÒNG SÔNG VÀ GIẤC MƠ NỐI KẾT ĐÔI BỜ

Tiếp nối công trình đại lộ đầu tiên của thành phố, dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ) sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, thi công năm 2005 đã hiện thực hóa giấc mơ nối từ phía đông sang phía tây thành phố. Với chiều dài gần 22 km, tuyến đường đã thông xe toàn tuyến vào năm 2011, tạo thành một trục đường mới ra vào phía nam theo hướng đông-tây, nhằm giảm ách tắc giao thông cho cầu Sài Gòn, tạo trục giao thông sang Thủ Thiêm. Tuyến đường còn đáp ứng yêu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho các cảng đi các nơi theo hướng đông bắc-tây nam thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố chia sẻ, năm 2008, ông được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây phụ trách dự án này. Dự án Đại lộ Đông Tây rất đặc biệt, ban đầu chia thành ba đoạn khác nhau, gồm phía tây, phía đông và chưa tính đến việc xây đường hầm hay cầu vượt sông. Khi làm tiền khả thi, dự án mới hình thành ý tưởng gộp chung thành một trục đường nối đông sang tây. “Ý tưởng này mang tính đột phá, có tầm nhìn lớn, phát huy hiệu quả kết nối giao thông từ tuyến đại lộ này”, ông Phúc nhận định. Cũng là người trực tiếp chỉ huy công đoạn lai dắt hầm dìm “lịch sử”, ông Phúc thuật lại, bên bờ sông Sài Gòn sáng ngày 7/3/2010 náo nhiệt khác thường. Lãnh đạo thành phố cùng hàng nghìn người dân chứng kiến sự kiện dìm hầm với tâm trạng hồi hộp, khó tả. Trước mắt mọi người là khối bê-tông hình chữ nhật, dài 93m, cao 9m, nặng 27.000 tấn, tương đương tòa nhà 25 tầng, được đưa từ bể đúc Nhơn Trạch về trung tâm thành phố rồi từ từ dìm xuống lòng sông...

Một giá trị thiết thực khác của đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ được thành phố đánh giá, công trình đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt đô thị dọc hai bên tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, tạo vẻ mỹ quan cho thành phố; đồng thời, cải thiện nguồn nước thải ra kênh (thông qua dự án cải thiện môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải). Giờ đây, những căn nhà lụp xụp của gần 10.000 hộ dân sinh sống ở hai bên kênh Tàu Hủ-Bến Nghé đã được thay bằng những công viên cây xanh, công trình công cộng, chung cư hiện đại cùng những dòng xe lưu thông ngược xuôi trên đại lộ mỗi ngày. Công trình cũng là cơ hội để đội ngũ kỹ sư Việt Nam học hỏi công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, quốc gia có nguồn viện trợ ODA nhiều nhất cho Việt Nam thời điểm đó...

Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã “thay da đổi thịt” bởi các dự án giao thông lớn, hiện đại, với mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị để phát triển xứng tầm một đô thị năng động nhất nước. Đó là, công trình cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, kết nối khu trung tâm với thành phố Thủ Đức về phía đông; dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sắp được đầu tư xây dựng, mở cánh cửa cho thành phố hướng ra biển. Các tuyến cao tốc, vành đai như tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh- Bến Lức-Long Thành, đường vành đai 3 đưa vào khai thác giúp giao thương hàng hóa và lưu thông đi lại thông suốt giữa thành phố và các tỉnh miền tây, miền Đông Nam Bộ.

(Còn na)

Theo Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến năm 2024, thành phố có 5.000 km đường bộ, với 1.164 cây cầu tổng chiều dài hơn 97 km. Ngoài ra, còn có 56 nút giao thông khác mức (cầu vượt) chủ yếu trên các trục đường chính có mật độ giao thông lớn. Các công trình được đưa vào khai thác, sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố, cải thiện hạ tầng giao thông: Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44% (năm 2015 là 8,28%); Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,44 km/km² (năm 2015 là 1,9 km/km²).

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/su-chuyen-minh-cua-he-thong-giao-thong-thanh-pho-ho-chi-minh-post870531.html
Zalo