Sự bứt phá ngoạn mục
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/2025. Theo báo cáo tại phiên họp, GDP quý 1 đạt 6,93%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Kết quả này là sự bứt phá đầy ngoạn mục, đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng cao nhất thế giới.
Trong quý 1, mặc dù tình hình xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại, mâu thuẫn địa chính trị giữa các nước đang diễn biến phức tạp, khó lường… nhưng Việt Nam vẫn kiên trì với mục tiêu đã đề ra. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành theo nguyên tắc “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá” Chính phủ đã kịp thời ứng phó với các vấn đề phát sinh. Đặc biệt, Chính phủ và chính quyền các cấp đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên; tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy; tập trung triển khai Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới… nên kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm đạt nhiều kết quả rất tích cực. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7%; khách quốc tế tăng 29,6%; thu hút FDI gần 11 tỷ USD, tăng 34%; thu ngân sách hơn 721,3 ngàn tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn lại những kết quả trên tất cả các lĩnh vực trong quý 1, chúng ta càng tự hào, phấn khởi khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã chung sức, đồng lòng vượt qua những “chướng ngại vật”, những rào cản, thách thức lớn từ “cơn gió ngược” của thời cuộc để tạo nên những bứt phá mới. Kết quả này không chỉ cho thấy sự tăng tốc mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều bất ổn mà còn là tiền đề, động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đây còn là bệ phóng vững chắc đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình ra biển lớn, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Dự báo, thời gian tới Việt Nam sẽ đối mặt với không ít thách thức cả trong nước và tình hình quốc tế. Đó là nền kinh tế thế giới vẫn đang tồn tại nhiều bất ổn, nhất là sự tác động của các cuộc xung đột vũ trang, biến động thị trường tài chính và thắt chặt chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU. Nhiều nước thay đổi chính sách thuế quan và thực hiện các biện pháp bảo vệ thị trường tiêu dùng nội địa sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa. Vấn đề cạnh tranh quốc tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tác động không nhỏ đến dòng vốn FDI vào nước ta. Ngoài ra, hậu quả của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; diễn biến cực đoan của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi… đang tác động mạnh đến các ngành sản xuất, nông nghiệp và du lịch.
Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp đồng bộ như cải cách thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Mỹ, Trung Quốc hay EU. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, logistics giúp tăng hiệu quả trong việc vận chuyển hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách nông nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo… đưa đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ.