Su-57 sắp ra mắt tại châu Mỹ

Sau khi tạo ấn tượng tại Trung Quốc và Ấn Độ, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 của Nga chuẩn bị ra mắt tại triển lãm vũ khí LAAD 2025 ở Rio de Janeiro, Brazil.

Đây được coi là bước đi chiến lược của Moscow nhằm mở rộng thị trường vũ khí tại khu vực Mỹ Latinh.

Tiêm kích Su-47 của Nga.

Tiêm kích Su-47 của Nga.

Công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport đã xác nhận sự tham gia của mình tại triển lãm LAAD 2025, diễn ra từ ngày 1/4. Đây là lần đầu tiên Nga trở lại sự kiện này kể từ năm 2019.

Theo thông tin từ hãng thông tấn TASS, Nga sẽ mang đến Brazil những vũ khí tiên tiến đã được kiểm nghiệm thực chiến, bao gồm máy bay chiến đấu Su-57E, Su-35, trực thăng Mi-171Sh, Ka-52E, máy bay vận tải Il-76MD-90A(E), xe tăng T-90MS, xe chiến đấu hỗ trợ BMPT, hệ thống phòng không S-400 Triumph, S-350 Vityaz, Tor-M2K, tên lửa vác vai Igla-S, cùng với các phương tiện hải quân như tàu cao tốc đổ bộ BK-16E, tàu tuần tra thuộc dự án 22160 và xe tăng nổi hạng nhẹ Sprut.

Sự xuất hiện của Su-57 tại Brazil diễn ra ngay sau hai lần ra mắt ấn tượng tại Triển lãm hàng không Trung Quốc 2024 và Triển lãm hàng không vũ trụ Aero India 2025.

Đặc biệt, tại Ấn Độ, Nga đã đưa ra lời đề nghị hấp dẫn bao gồm cung cấp Su-57 hoàn thiện, chuyển giao công nghệ, sản xuất chung và hỗ trợ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho nước này.

Su-57, được NATO gọi là "Felon", là máy bay chiến đấu siêu thanh, hai động cơ, được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển. Nhờ sử dụng vật liệu composite tiên tiến, máy bay có khả năng tàng hình cao, tích hợp hệ thống AI giúp hỗ trợ phi công trong điều khiển và tác chiến.

Vũ khí chủ lực bao gồm tên lửa K-77M với đầu dò radar mảng quét điện tử chủ động, giúp Su-57 có lợi thế vượt trội trong chiến đấu ngoài tầm nhìn (BVR).

Mặc dù có công nghệ tiên tiến, Su-57 vẫn chưa có vai trò nổi bật tại xung đột Ukraine, chỉ được sử dụng để tấn công từ xa mà không trực tiếp xâm nhập không phận đối phương. Tuy nhiên, Nga vẫn tích cực quảng bá mẫu máy bay này tại các triển lãm quốc tế để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Sự tham gia của Nga tại LAAD 2025 diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu vũ khí của nước này giảm mạnh do các lệnh trừng phạt và xung đột tại Ukraine.

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 64% trong giai đoạn 2015-2019 và 2020-2024. Tuy nhiên, Rosoboronexport đang từng bước lấy lại thị trường. Đến cuối năm 2024, sổ đặt hàng của công ty đạt 57 tỷ USD, với các hợp đồng trị giá hơn 4,5 tỷ USD được ký kết với 15 quốc gia chỉ trong năm 2025. Dù Trung Đông và Bắc Phi vẫn là thị trường chủ lực, Nga cũng đang tìm cách lấy lại vị thế tại Mỹ Latinh.

Một trong những chiến lược đáng chú ý là hợp tác sản xuất với các nước trong khu vực. Hiện tại, Nga đang xây dựng nhà máy sản xuất súng trường Kalashnikov tại Venezuela và có kế hoạch thảo luận về hợp tác công nghệ tại LAAD 2025. Rosoboronexport nhấn mạnh rằng xu hướng tương lai của ngành công nghiệp quốc phòng là tăng cường quyền tự chủ chiến lược thông qua phát triển sản xuất nội địa, điều này có thể mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Nga và các nước Mỹ Latinh.

Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức về việc bán Su-57 cho Brazil hoặc các nước Mỹ Latinh khác, Nga đang tích cực tìm kiếm đối tác sản xuất chung. Đây có thể là động thái nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-57-sap-ra-mat-tai-chau-my-169250328103746781.htm
Zalo